Hoạt động đối ngoại nhân dân: Nâng cao vị thế Hội CCB Việt Nam trên trường quốc tế (17/12/2012)
Hoạt động đối ngoại góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác
Là thành viên của Hiệp hội CCB Đông Nam Á (VECONAC), Hội CCB Việt Nam có quan hệ chặt chẽ với Liên đoàn CCB thế giới (WVF) và Uỷ ban Thường trực CCB châu Á - Thái Bình Dương (SCAP). Hoạt động đối ngoại của Hội CCB Việt Nam trong những năm qua để lại dấu ấn quan trọng trên con đường phát triển rộng rãi bền vững, đi vào chiều sâu với phương châm chủ động linh hoạt, sáng tạo, phát triển quan hệ với các tổ chức và khu vực theo đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa. Hoạt động đối ngoại của Hội đã góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác với CCB các nước láng giềng và bạn bè truyền thống. Thiết lập quan hệ chính thức với Hiệp hội CCB quốc gia Lào và hai hội đã ký Biên bản hợp tác giúp đỡ lẫn nhau ở cấp T.Ư và một số địa phương, đặc biệt là các tỉnh có chung đường biên giới. Hội cũng đã thiết lập quan hệ với Hội CCB Cam-pu-chia; duy trì quan hệ hữu nghị với Hội CCB các nước như: Liên bang Nga, Bê-la-rút, U-crai-na, Mông Cổ, Ma-rốc, Nam Phi, Mô-dăm-bích, An-giê-ri, Gioóc-đa-ni, Nam-mi-bi-a, Cu-ba, Vê-nê-xu-ê-la và những CCB Trung Quốc đã từng tham gia giúp Việt Nam trong chiến tranh…
Hội đã tích cực chủ động củng cố, nâng cao chất lượng và hiệu quả trong quan hệ hữu nghị, hợp tác với bạn bè truyền thống; các nước láng giềng và khu vực; mở rộng quan hệ với các đối tác mới nhằm phát huy vai trò thành viên trong các tổ chức CCB ở khu vực và trên thế giới. Các lĩnh vực hợp tác được thể hiện trong trao đổi kinh nghiệm công tác Hội, phối hợp các hoạt động quốc tế, tìm khả năng trong liên kết phát triển kinh tế để nâng cao đời sống và phúc lợi cho CCB. Đồng thời, phối hợp với Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và các đoàn thể tuyên truyền chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước.
Thông qua các diễn đàn của CCB các nước khu vực và thế giới, Hội CCB Việt Nam đã giới thiệu về đất nước, con người Việt Nam, bày tỏ quan điểm của Việt Nam muốn là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các nước trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng độc lập chủ quyền và lợi ích của nhau, gác lại quá khứ, hướng tới tương lai… Hội CCB Việt Nam đã đưa ra nhiều sáng kiến được các tổ chức CCB thế giới và khu vực nhất trí ủng hộ trên nhiều lĩnh vực. CCB các nước cũng bày tỏ quan điểm ủng hộ Việt Nam, lên án hành động thù địch chống Việt Nam và có nhiều hoạt động tích cực ủng hộ Việt Nam như rà phá bom mìn còn sót lại sau chiến tranh, giúp đỡ Việt Nam khắc phục hậu quả chất độc da cam trong chiến tranh, cung cấp tài liệu về bộ đội Việt Nam hi sinh, mất tích trong chiến tranh… đã góp phần tích cực vào việc thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta trong thời kỳ hội nhập. Điển hình là Làng Hữu Nghị Việt Nam trực thuộc Hội được thành lập với sự phối hợp giữa CCB vì hòa bình của 5 nước: Đức, Mỹ, Pháp, Anh, Nhật Bản và Hội CCB Việt Nam. Ở đó đã xây nên một biểu tượng về sự hợp tác vì hòa bình, nhân ái; nơi thường xyên đón khoảng 120 con CCB và 40 CCB bị ảnh hưởng chất độc da cam/đi-ô-xin về chăm sóc, điều trị, nghỉ dưỡng, học tập văn hóa và đào tạo nghề… Hằng năm, Làng Hữu Nghị đón khoảng 100 đoàn khách Việt Nam và quốc tế đến từ nhiều nước khắp châu lục, đến thăm, làm việc và tặng quà, tiền, góp phần khắc phục những di hại của chất độc da cam/đi-ô-xin để lại.
Hợp tác nâng cao vị thế Hội CCB Việt Nam ở khu vực và trên thế giới
Tại các diễn đàn của các kỳ đại hội Liên đoàn CCB thế giới (WVF) và hội nghị Uỷ ban Thường trực CCB châu Á - Thái Bình Dương cũng như đại hội VECONAC, Hội CCB Việt Nam đã có dịp tiếp cận với các đoàn CCB nhiều nước. Qua đó, đã bày tỏ quan điểm của Việt Nam trên các lĩnh vực, nhất là những vấn đề nhạy cảm mà các thế lực thù địch thường xuyên lợi dụng để công kích, chống phá Việt Nam. Nhờ đó, Hội đã đưa ra và thông qua nhiều nghị quyết có lợi về việc tiếp tục phấn đấu vì một nền hòa bình thực sự và lâu dài cho thế giới; về khắc phục chiến tranh, đặc biệt là việc hậu quả khắc phục.
Hội đã tích cực đóng góp, trao đổi nhiều ý kiến, kinh nghiệm để các tổ chức quốc tế này hoạt động phù hợp với cương lĩnh điều lệ và tình hình thực tiễn của tổ chức mình. Do có chủ trương, đối sách đúng đắn nên đã giúp VECONAC tiếp tục đoàn kết, phát triển đúng hướng, để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn bè các nước Đông Nam Á.
Đặc biệt là cuộc tham dự Đại hội Liên đoàn CCB thế giới (WVF) lần thứ 27 tại Gioóc-đa-ni vừa qua đã góp phần làm cho các tổ chức CCB khu vực và thế giới hoạt động theo đúng tôn chỉ, mục đích của mình.
Các cuộc gặp xã giao và trao đổi về tình hình quan hệ song phương với nhiều đoàn khách quốc tế của các nước Nga, U-crai-na, Bê-la-rút, Mỹ, Pháp, Đức, Bỉ, Hàn Quốc, Ô-xtrây-li-a, Vê-lê-xu-ê-la, Ma-rốc, Mô-dăm-bích, In-đô-nê-xi-a, Lào, Cam-pu-chia… tại Hà Nội và các địa phương khác đã làm cho bạn bè hiểu rõ hơn về đất nước, con người Việt Nam.
Dấu ấn của công tác đối ngoại những năm qua, đã phản ánh một cách sinh động về hoạt động đối ngoại của Hội CCB Việt Nam, phát đi một thông điệp mạnh mẽ với bạn bè, các tổ chức CCB các nước trong khu vực và trên thế giới về một Việt Nam đổi mới thành công, về chính sách đối ngoại độc lập tự chủ, mở rộng đa phương hóa, đa dạng hóa, về một Việt Nam năng động, có trách nhiệm, an toàn, cởi mở và mến khách. Những hoạt động đối ngoại nhân dân của Hội đã góp phần tích cực vào việc thực hiện đường lối đối ngoại, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta, làm cho CCB và nhân dân các nước mà Hội có quan hệ thấy được sự vĩ đại của cuộc kháng chiến của quân và dân ta chống đế quốc xâm lược và những thành tựu đổi mới của Việt Nam, góp phần nâng cao uy tín của Đảng, Nhà nước, quân đội; nâng cao vị thế của Hội CCB Việt Nam trên trường quốc tế.
Minh Phương