Hoàng Ngân - Đội quân áo nâu, từng làm quân Pháp khiếp sợ
Đội nữ du kích Hoàng Ngân huyện Kim Động (Hưng Yên).
Trong lịch sử kháng chiến chống Pháp của quân và dân cả nước nói chung và của Hưng Yên nói riêng, không thể không nhắc đến những thành tích đặc biệt xuất sắc của Đội du kích Hoàng Ngân, được thành lập tại tỉnh Hưng Yên, ngay sau khi chị Hoàng Ngân mất.
Chị Hoàng Ngân (1921-1949), tên thật là Phạm Thị Vân, sinh ra trong một gia đình tiểu thương ở phố Savatxiơ (Quang Trung, T.P Hải Phòng ngày nay). Chị tham gia hoạt động thanh niên, năm 17 tuổi được kết nạp Đảng Cộng sản Đông Dương, năm 1939 bị giặc Pháp bắt. Năm 20 tuổi ra tù, chị tham gia Ban Thường vụ Hội Phụ nữ giải phóng Bắc Kỳ. Tháng 1-1941, chị lại bị địch bắt ở Hà Đông, bị kết án 12 năm tù, giam ở Hỏa Lò.
Sau khi ra tù, tháng 3-1945, chị làm Bí thư Đoàn thanh niên cứu quốc tại Hà Nội, Ủy viên Thành bộ Việt Minh. Cuối năm 1947, chị là Bí thư T.Ư lâm thời Đoàn Phụ nữ cứu quốc Việt Nam. Năm 1949, chị Hoàng Ngân mất tại Việt Bắc lúc 29 tuổi…
Tiếng vang từ những trận nữ du kích dùng đòn gánh đánh Tây, phục kích giữa chợ hay cải trang để diệt địch; những trận diệt gian, trừ ác… được sử sách ghi nhận. Ông Võ An Đông - nguyên Tỉnh đội trưởng, Tỉnh đội Hưng Yên thời kỳ 1950-1954, cho rằng: Trong hoàn cảnh địch hậu, nam thanh niên ở các thôn xã thiếu vắng, ở nhà chị em phụ nữ đã thay nam giới làm các công việc của kháng chiến. Phụ nữ có thể hoạt động công khai, nên rất có lợi thế hơn nam giới rất nhiều. Năm 1950, số phụ nữ trong tỉnh Hưng Yên tham gia du kích đã đông gấp bội, nên Tỉnh ủy Hưng Yên đã ra nghị quyết xây dựng đội du kích, mang tên chị Phạm Thị Vân (tức Hoàng Ngân). Theo chủ trương, Đội du kích Hoàng Ngân trở thành một bộ phận của lực lượng vũ trang tỉnh, dưới sự chỉ huy trực tiếp của Tỉnh đội Hưng Yên. Hội Phụ nữ và Tỉnh đội Hưng Yên phối hợp mở trường đào tạo, phát triển cán bộ, quy định những trách nhiệm cụ thể… Ở xã, đồng chí Hội phó phụ nữ là Xã đội phó.
Đến tháng 7-1952, lực lượng du kích Hoàng Ngân của tỉnh đã lên tới 7.365 người. Mỗi xã có một trung đội từ 60-70 người, mỗi thôn có một tiểu đội từ 5-10 người… tạo ra một sức mạnh to lớn vừa đảm bảo chiến đấu, vừa chăm sóc thương binh, bệnh binh. Những thắng lợi thu được từ địch vận có giá trị không kém những trận đánh. Trường hợp của chị Đặng Thị Tuệ ở Tô Hiệu (Mỹ Hào) đã vận động tên sếp bốt đưa cả tiểu đội bỏ ngũ, trở về với nhân dân; hay chị Nguyễn Thị Hương (Ân Thi) đã vận động được 42 lính mang vũ khí về với cách mạng…
Điểm lại một số trận đánh để thấy được chiến công của đội quân “tóc dài” Hoàng Ngân là không hề nhỏ.
Sáng sớm ngày 25-9-1951, địch từ các hướng tiến vào Long Cầu, Phú Mãn. Một cánh quân khác của chúng tiến vào Phan Xá, Tống Xá và Ngũ Lão. Các nữ du kích Hoàng Ngân đã dũng cảm chiến đấu, cùng với bộ đội đánh bại nhiều đợt tiến công của địch. Ban ngày, chị em khắc phục khó khăn tránh đạn pháo; nấu cơm tiếp tế cho bộ đội chiến đấu. Tối đến bộ đội di chuyển trận địa, chị em lại tham gia cáng thương binh, dẫn tù binh về nơi quy định. Số ở lại mai táng liệt sĩ, sơ tán dân sang xã khắc đề phòng hôm sau địch vào làng. Kết quả đã loại khỏi vòng chiến đấu gần 1.000 lính Âu - Phi và cơ bản bảo toàn được cơ sở.
Ngày 3-4-1952, ba tiểu đoàn lính Âu - Phi càn vào xã Tân Dân (Khoái Châu). Nữ du kích Hoàng Ngân và nam du kích phối hợp với Đại đội 22, diệt 200 địch. Ngày 15-5-1952, nữ du kích Hoàng Ngân phối hợp với Đại đội 22 đánh càn ở Ngọc Nha (Khoái Châu) diệt 3 đại đội địch. Suốt 1 tháng chống cuộc càn Lạc Đà (5-1952), nữ du kích Hoàng ngân phối hợp với Đại đội 27, phân tán hoạt động ở khu Đức Nhuận, Đông Tảo (Khoái Châu), đào hầm bí mật, phục kích, đánh du kích nhỏ lẻ, diệt hàng trăm tên địch…
Mặc dù tiêu diệt được lực lượng rất lớn của địch, nhưng cũng có nhiều nữ du kích Hoàng Ngân đã ngã xuống, trong đó phải kể tới 3 Anh hùng liệt sĩ:
- Chị Bùi Thị Cúc (xã Quang Trung, huyện Ân Thi, Hưng Yên) bí mật hoạt động trong lòng địch, sau khi cùng đồng đội giết được tên Nhi ở bốt Cảnh Lâm (Yên Mỹ), chị bị bắt. Mặc dù bị tra tấn, đánh đập cực hình, chị vẫn không khai nhận những người khác để bảo vệ cơ sở cách mạng; chị đã bị tử hình, chị xứng danh với 6 chữ vàng “Sống anh dũng, chết vẻ vang”.
- Chị Trần Thị Khang (xã Xuân Dục, huyện Mỹ Hào, Hưng Yên), Huyện ủy viên, Hội trưởng phụ nữ huyện Phù Cừ. Ngày 8-7-1950, chị về công tác tại xã Minh Tiến gặp trận càn lớn của địch. Chúng bắt chị giải về bốt La Tiến. Mặc dù bị đánh đập, tra tấn dã man, chị không hề khai báo… Địch đưa chị ra hành hình ngay gốc đa trên bờ sông Luộc.
- Chị Trần Thị Tý (xã Thiện Phiến, huyện Tiên Lữ, Hưng Yên), tham gia nữ du kích Hoàng Ngân khi mới 15 tuổi, làm liên lạc và tham gia chiến đấu. Trong 4 năm kháng chiến chống Pháp, chị tham gia đánh hàng chục trận, cùng đơn vị diệt hàng trăm tên địch. Đầu năm 1954, chị phối hợp với bộ đội đánh bốt Triều Dương, bắn 5 quả đạn, diệt gần 1 tiểu đội địch, làm sập một lô cốt. Trận đánh thắng lợi nhưng chị đã hy sinh.
Cả ba chị đều được Nhà nước truy tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”.
Từ sau năm 1954, phụ nữ Hưng Yên nói chung, nữ du kích Hoàng Ngân nói riêng, lại bắt tay vào công cuộc cải tạo và xây dựng CNXH, hàn gắn vết thương chiến tranh, xóa giặc đói, giặc dốt, khắc phục tập tục lạc hậu… Đặc biệt, phụ nữ tích cực tham gia làm thủy lợi, đào đắp hàng vạn mét khối đất đá, đắp đê… Tiêu biểu là các chị Phạm Thị Vách (người xã Hùng Cường, huyện Kim Động), Vũ Thị Tỵ (huyện Tiên Lữ), Lê Thị Lục (huyện Khoái Châu)… Thời kỳ nào, lĩnh vực nào, nữ du kích Hoàng Ngân và phụ nữ Hưng Yên nói chung đều đóng góp công sức rất lớn trong việc xây dựng, bảo vệ quê hương đất nước.
Nguyễn Việt Tiến