Hoa không chỉ làm đẹp cho đời
CCB Phạm Huy Hoàng, thành viên Tổ hợp tác sản xuất hoa kiểng xã Mỹ Quý, chăm sóc hoa lan vườn nhà.
**Hỗ trợ giúp đỡ nhau
**
Nói về chuyện trồng trọt ở huyện Tháp Mười, mọi người sẽ nghĩ ngay đến những cánh đồng lúa, ruộng sen xanh mướt. Nhưng hơn 10 năm nay, nắm bắt nhu cầu của thị trường, nhiều bà con nông dân của huyện còn trồng thêm hoa kiểng (cây cảnh), có gia đình chọn đây làm nguồn thu nhập chính.
CCB Trần Quốc Thanh ở xã Mỹ Đông, là một trong những người đi đầu thực hiện công việc này. Ông kể rằng, trước đây gia đình cư ngụ tại thị trấn Mỹ An, năm 1996 ông mua 2.000m2 đất ở xã Mỹ Đông và chuyển về đây sinh sống.
Hiện vườn kiểng nhà ông Trần Quốc Thanh có gần 100 chậu cây thành phẩm và nhiều cây giống, cây nguyên liệu ông mua về uốn sửa, tạo dáng. Ông Thanh nói: “Mỗi năm, trước hoặc sau Tết Nguyên đán là tôi tìm mua cây về chăm sóc. Như năm nay mình bứng cây về trồng, uốn sửa, tạo dáng, thì một đến hai năm sau mới đem ra chợ Tết bán”.
Cứ thế, vườn kiểng nhà ông Thanh lúc nào cũng có mai vàng, vạn niên tùng, nguyệt quế, kim quít, mai chiếu thủy… Cây thành phẩm bán đi, cây nguyên liệu được ông Thanh mua về trồng thay thế. Theo CCB Trần Quốc Thanh, trung bình mỗi hộ trồng hoa kiểng một năm thu nhập từ 40 đến 50 triệu đồng. Đó là trồng nhỏ lẻ, còn có vốn đầu tư nhận trồng cho các trụ sở cơ quan Nhà nước hay doanh nghiệp, thì thu nhập sẽ cao hơn.
Nhờ trồng, kinh doanh hoa kiểng mà ông Thanh có điều kiện nuôi 4 người con ăn học và cất nhà cửa khang trang. Từng có thời gian sống trong nghèo khó nên khi cuộc sống ổn định, ông Thanh nghĩ ngay đến chuyện giúp đỡ đồng đội phát triển kinh tế gia đình. Là Chủ tịch Hội sinh vật cảnh huyện, ông Thanh thường động viên, giúp đỡ những CCB yêu thích trồng hoa kiểng đến với nghề. Để anh em có kiến thức, kinh nghiệm thực hiện, ông Thanh hợp đồng với Trường dạy nghề huyện Tháp Mười mở nhiều lớp tập huấn kỹ thuật uốn sửa, tạo dáng kiểng cổ – bonsai.
Để giúp đồng đội cùng thoát nghèo, năm 2015, ông bàn bạc với các CCB thành lập Tổ hợp tác sản xuất hoa kiểng, giúp nhau trồng trọt, kinh doanh... Kết quả đến nay toàn huyện đã có 4 Tổ hợp tác sản xuất hoa kiểng ở 4 xã Mỹ Quý, Thanh Mỹ, Hưng Thạnh và Thạnh Lợi; mỗi tổ có từ 5 - 10 thành viên. Đông nhất là Tổ hợp tác sản xuất hoa kiểng xã Hưng Thạnh có 16 thành viên tham gia sinh hoạt.
**Giầu nhờ trồng hoa kiểng
**
Vào thứ sáu hoặc thứ bảy hằng tuần, các thành viên trong tổ họp lại chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật trồng và uốn sửa, tạo dáng kiểng cổ – bonsai. CCB Phạm Huy Hoàng, ấp Mỹ Phước 1, xã Mỹ Quý cho biết: “Anh em trao đổi nhiều về kỹ thuật cắt tỉa, uốn sửa và tạo dáng. Nhưng nghề này không chỉ có mắt nhìn, tay sửa, mà phải thêm tư duy sáng tạo. Tôi và anh em thường nhắc nhau chịu khó học nắm vững các thế cơ bản, những yếu tố về thân, rễ, để hình dung và uốn sửa sao cho cây kiểng có hồn”.
Để trở thành thợ sửa kiểng có tay nghề, phải chịu khó tìm hiểu, học hỏi trong sách vở, học ở bạn bè, đồng nghiệp. Vậy nên, đến những buổi họp lệ, các thành viên của Tổ hợp tác sản xuất hoa kiểng đều tham gia đông đủ. CCB Nguyễn Văn Tân, ấp Mỹ Phước 2, xã Mỹ Quý bộc bạch: “Anh em trong tổ rất quan tâm đến công việc của nhau, hễ ai có kiến thức, kinh nghiệm hay là trao đổi cùng học tập. Việc sửa, chăm sóc kiểng cũng rất linh hoạt, có anh đến tận vườn, có anh nhận mang về nhà mình chăm sóc. Cây kiểng càng có giá trị, tiền công chăm sóc càng cao”.
Riêng trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, CCB Trần Quốc Thanh, Phạm Huy Hoàng, Nguyễn Văn Tân mỗi người thu nhập hơn 30 triệu đồng từ bán hoa kiểng. Với những anh em đi chăm sóc kiểng cho các công ty, doanh nghiệp thu nhập bình quân từ 7 – 8 triệu đồng/tháng. Hoa kiểng không chỉ làm đẹp cho đời, mà còn giúp các ông có được cuộc sống thêm sung túc.
Bên cạnh chăm lo đời sống đồng đội, các CCB ở huyện Tháp Mười còn giúp đỡ cả thanh niên địa phươngtham gia kinh doanh, chăm sóc cây kiểng. Anh Nguyễn Quốc Nhân, ngụ ấp Mỹ Tây 1, xã Mỹ Quý khoe: “Tham gia sinh hoạt Tổ hợp tác sản xuất hoa kiểng, tôi được mấy chú, mấy anh tận tình hướng dẫn kỹ thuật, kinh nghiệm trồng, uốn sửa và tạo dáng cho kiểng. Mùa hoa Tết vừa rồi, tôi bán hoa cúc, hoa vạn thọ, hoa lan thu được hơn 10 triệu đồng. Vợ chồng tôi mừng lắm. Ngoài trồng những giống hoa ngắn ngày, hiện tôi đang săn sóc mai vàng, mai chiếu thuỷ, để bán vào chợ Tết năm sau”.
Hỗ trợ giúp đỡ đồng chí đồng đội phát triển kinh tế gia đình, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Các CCB huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp đã góp phần tô thắm thêm hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trên trận tuyến “xóa đói giảm nghèo”.
Thanh Lạc