Hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016-2020
Việc xây dựng chính sách đặc thù sẽ giúp phủ khắp tới các đối tượng nghèo, chưa được hưởng chính sách ưu tiên. Tuy nhiên, chính sách dân tộc trong giai đoạn mới sẽ được xây dựng theo hướng dài hạn, phân rõ chính sách có tính chiến lược và chính sách giải quyết những vấn đề bức xúc, có tính tình huống; tiếp cận giảm nghèo theo hướng đa chiều. Giai đoạn 2016-2020, UBDT xây dựng và đề xuất tiếp tục thực hiện 9 chính sách, với tổng kinh phí dự kiến là hơn 49.000 tỷ đồng, gồm: Chương trình 135; Đề án chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển KTXH vùng DTTSMN giai đoạn 2016-2020; Đề án “Phát triển KTXH vùng các dân tộc: Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao”; Chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào DTTS; Đề án hỗ trợ phát triển KTXH các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016-2020; chính sách sắp xếp, ổn định dân cư cho người di cư tự do từ nước Cộng hòa DCND Lào trở về nước; Quyết định số 498/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS giai đoạn 2015-2025”; Đề án đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động vùng đồng bào DTTSMN giai đoạn 2016-2020; Chính sách cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng DTTSMN, vùng ĐBKK giai đoạn 2016-2020. Các chính sách được đưa ra đều ưu tiên phát triển vùng đồng bào DTTS, nhưng qua thực tế triển khai, đồng bào DTTS có chính sách đặc thù lại chưa được hưởng, tưởng chừng được ưu tiên nhưng lại không được ưu tiên. Cụ thể như trong tổng các chính sách của UBDT dành cho vùng dân tộc chưa có chính sách nào được bố trí vốn đạt tới 80%, ngoại trừ Chương trình 135, còn hầu hết các chính sách mới chỉ đáp ứng được 40-50%.
Tuy nhiên, việc xây dựng chính sách đặc thù là để tiếp tục hỗ trợ cho các hộ nghèo ở vùng DTTSMN là chính sách quan trọng, gồm nhiều nội dung để tập trung giải quyết những vấn đề khó khăn nhất, bức xúc nhất của đồng bào các DTTSMN, tạo đà cho hộ nghèo có điều kiện phát triển, góp phần ổn định dân cư ở những địa bàn khó khăn và đặc biệt khó khăn. Mặc dù giai đoạn 2011-2015 nhiều chính sách có nội dung trùng nhau, nhưng lại vẫn còn bỏ sót đối tượng, nên chính sách giai đoạn tới cần hướng tới đối tượng chưa được các chương trình, chính sách khác chưa phủ kín như: nhu cầu về nước sạch, đất ở, đất sản xuất, đào tạo và chuyển đổi nghề, giao khoán bảo vệ rừng... nên nếu không thực hiện chính sách đặc thù, thì đồng bào ở vùng ĐBKK còn gặp nhiều khó khăn.
UBDT đề xuất xây dựng chính sách đặc thù theo hướng tích hợp các chính sách hết hiệu lực trong năm 2015, hy vọng chương trình này sẽ là một nội dung quan trọng của công tác dân tộc giai đoạn 2016-2020.
Bài và ảnh: Kim Loan