Hố sâu khó lấp đầy (10/11/2011)

Cùng với sức ép ngoại giao và kinh tế, các phương án tấn công quân sự đã được đề cập trong những ngày gần đây. Thực tế đang diễn ra khiến cuộc khủng hoảng hạt nhân ở quốc gia Hồi giáo này thêm sâu sắc. Niềm tin giữa I-ran và một số quốc gia Âu, Mỹ đang ngày một vơi cạn. Cho dù, người đứng đầu quốc gia Hồi giáo này, ông M.An-ma-đi-nê-giát từng bày tỏ quan điểm Tê-hê-ran sẵn sàng nối lại đàm phán hạt nhân với Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh và Đức) và rằng, quốc gia này phát triển chương trình năng lượng nguyên tử chỉ nhằm mục đích phục vụ dân sinh. Nhưng tất cả đã không thuyết phục được các nước phương Tây với những nguồn tin I-ran đã đặt các lò phản ứng hạt nhân trong căn cứ quân sự ngầm dưới ngọn núi gần thành phố Qom, cách Tê-hê-ran 150km về phía tây nam. Dựa trên các thông tin tình báo, Bộ Quốc phòng Anh lo ngại I-ran có thể đã giấu kín các cơ sở hạt nhân từ một năm trước, do vậy tên lửa khó có thể đánh trúng mục tiêu.

Rõ ràng, quân đội I-xra-en đã bắt đầu cuộc diễn tập phòng thủ dân sự lớn tại khu vực thủ đô Ten A-víp nhằm tăng khả năng phản ứng với các vụ tấn công bằng tên lửa thông thường và phi thông thường trong bối cảnh có những đồn đoán về việc I-xra-en có thể tấn công phủ đầu I-ran.

Phương Tây muốn Tê-hê-ran từ bỏ tham vọng hạt nhân. Thế nhưng, điều ấy thật không đơn giản khi lãnh đạo Tê-hê-ran từng chỉ rõ rằng, "hạt nhân" chỉ là một cái cớ để Mỹ và các đồng minh chống lại sự độc lập của I-ran và xa hơn là kiểm soát vị trí địa - chiến lược mà quốc gia Hồi giáo này đang sở hữu tại Trung Đông. I-ran cũng đã có những phản ứng trước nguy cơ có thể bị tấn công bởi gọng kìm “Mỹ - Anh - I-xra-en”. Bộ Ngoại giao I-ran đã triệu tập Đại sứ của Thụy Sĩ, bà Li-vi-a Lu A-gô-xti để phản đối các đe dọa trên. Đại sứ quán Thụy Sĩ tại I-ran hiện kiêm nhiệm giải quyết các vấn đề ngoại giao của Mỹ tại I-ran vì hai nước này chưa có quan hệ ngoại giao. Đồng thời, Tê-hê-ran đã "chuẩn bị cho tình huống xấu nhất" và cảnh báo Mỹ đang tự đặt mình vào "một cuộc va chạm" với I-ran. Bộ trưởng Ngoại giao I-ran A-li Ác-ba Xa-lê-hi cho rằng, Mỹ "đang thiếu sáng suốt và không thận trọng" trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế. Phát biểu tại Tê-hê-ran, nhà ngoại giao I-ran X.Gia-li-li cho biết, nước này sẽ chuyển “kế hoạch tấn công I-ran của Mỹ” lên LHQ.

Hiện tại, cuộc khủng hoảng hạt nhân tại I-ran đang bị đẩy lên cao và chưa thấy lối thoát. Nếu tình huống xấu nhất xảy ra sẽ là thảm họa với khu vực Trung Đông, đe dọa an ninh của cả thế giới.

Có thể thấy, khi Mỹ, I-xra-en và Anh không loại trừ khả năng tấn công I-ran, NATO tuyên bố không có ý định can thiệp quân sự vào quốc gia vùng Vịnh này. Phát biểu tại một cuộc họp báo, Tổng thư ký NATO An-đéc Phoóc Ra-xmu-xen cho biết, NATO ủng hộ các nỗ lực quốc tế theo đuổi các giải pháp chính trị và ngoại giao nhằm giải quyết vấn đề I-ran, đồng thời kêu gọi Tê-hê-ran tuân thủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ về việc chấm dứt chương trình hạt nhân. Đây là những hy vọng vừa lóe khi áp lực từ phương Tây bỗng gia tăng đột biến trong cuộc khủng hoảng hạt nhân ở I-ran. Tuy nhiên, mâu thuẫn giữa Mỹ và phương Tây với I-ran là hố sâu khó lấp đầy.

Tuấn Minh