Hình ảnh bà mẹ sắt son với Đảng qua bài thơ “Mẹ Tơm”
Trong phần chú thích hoàn cảnh ra đời của bài thơ “Mẹ Tơm” (tháng 7-1961), nhà thơ Tố Hữu viết: “Sau 19 năm xa cách, tôi lại về Hanh Cù, Hanh Cát - làng ven biển Hậu Lộc, Thanh Hóa - nơi ngày xưa có bà mẹ Tơm rất nghèo đã nuôi giấu chúng tôi, mấy anh em trốn tù về hoạt động…”.
Một miền quê nghèo, một “tổ ấm” mái nhà tranh nặng ân nghĩa của mẹ Tơm không bao giờ quên được trong tâm khảm của nhà thơ! Vì vậy, trên cương vị một cán bộ lãnh đạo của Đảng, dù công việc bộn bề, nhưng tác giả vẫn dành thời gian trở về thăm mẹ; thăm mảnh đất một thời nuôi giấu người cán bộ cách mạng với tấm lòng thủy chung, son sắt.
Mở đầu bài thơ là khung cảnh náo nức của một vùng quê ven biển thanh bình buổi đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội (năm 1961): Tôi lại về quê mẹ nuôi xưa/ Một buổi trưa, nắng dài bãi cát/ Gió lộng xôn xao, sóng biển đu đưa/ Mát rượi lòng ta ngân nga tiếng hát…
Giữa đất trời bao la, bất chợt tác giả bồi hồi nhớ lại ngày xưa (thời gian quá khứ) và đan xen cùng thực tại bởi nỗi nhớ ùa về: Mười chín năm rồi. Hôm nay lại bước/ Đoạn đường xưa, cát bỏng lưng đồi/ Ôi có phải sóng bồi thêm bãi trước/ Hay biển đau xưa rút nước xa rồi? Cũng cồn cát trắng ấy, cũng đoạn đường cát cháy ngày xưa ấy; giờ đã đổi khác, làm ngỡ ngàng người con đi xa trở về. Nỗi khổ đau một thời nô lệ, nay không còn nữa (Hay biển đau xưa rút nước xa rồi).
Hình ảnh mẹ Tơm được nhắc lại trong nỗi nhớ sâu xa của tác giả với tâm trạng xúc động khi tiếng reo vui bật dậy trong lòng: “Con đã về đây ơi mẹ Tơm/ Hỡi người mẹ khổ đã dành cơm…”!
Vẫn thời gian hiện tại, cuộc sống mới xanh màu trên quê hương mẹ Tơm. Nơi túp lều của mẹ Tơm ngày xưa giờ đây mọc lên ngôi nhà thơm mùi vôi mới. Cảnh vật đổi thay đến ngỡ ngàng: Nhà ai mới nhỉ, tường vôi trắng/ Thơm nức mùi tôm nặng mấy nong/ Ngồn ngộn sân phơi khoai dát nắng/ Giếng vườn ai vậy, nước khơi trong ? Cái nghèo cái khổ đã lùi xa; cái no ấm, bình yên đã về với con người trên mảnh đất nghĩa tình, nhân hậu…
Một cuộc gặp bất ngờ, thú vị, đầy xúc động giữa tác giả và cô chủ nhà: bởi ngày tác giả cùng các đồng chí từ giã gia đình ra đi, bé mới lên một tuổi và bây giờ gần hai mươi năm mới gặp lại: Nhiều đấy ư em, mấy tuổi rồi? Hai mươi. - Ờ nhỉ, tháng năm trôi/ Sóng bồi thêm bãi, thuyền thêm bến/ Gió lộng đường khơi, rộng đất trời!
Cuộc sống mới đang mở ra những chân trời mới, mở ra bao hy vọng cho con người, cho quê hương qua hình ảnh: Sóng bồi thêm bãi, thuyền thêm bến/ Gió lộng đường khơi, rộng đất trời.
Tác giả vô cùng xúc động khi biết được mẹ Tơm và bác trai đã mất ! Thời gian quá khứ kéo gần lại để cho ta cảm nhận rõ hơn cảm xúc chợt dâng trào: Ông mất năm nao, ngày độc lập/ Buồm cao đỏ sóng, bóng cờ sao/ Bà về năm “đói”, làng treo lưới/ Biển động: Hòn Mê, giặc bắn vào…
Từ trong tâm cảm, tác giả xót thương cho mẹ Tơm; ngày từ biệt, mẹ đang còn sống; còn nhường cơm sẻ áo nuôi cán bộ cách mạng, bất chấp tất cả cũng vì cách mạng. Nay con trở về trong hòa bình, trong tự do thì mẹ không còn…
Câu chuyện về mẹ Tơm được tái hiện bằng khoảng thời gian hồi tưởng, hoài niệm không thể phai mờ. Tác giả đưa chúng ta ngược dòng thời gian, cách đó mười chín năm của một thời gian khổ… Người dân vùng biển Hậu Lộc này thuở ấy tuy nghèo nhưng giàu lòng yêu thương cách mạng: Bâng khuâng chuyện cũ: Một chiều thu/ Mười mấy năm xưa mấy bạn tù/ Vượt ngục, băng rừng, tìm mối Đảng/ Duyên may, dây nối, đất Hanh Cù…
Tác giả cùng bạn tù vượt khỏi ngục tù thực dân Pháp, tìm về nơi đây để tiếp tục hoạt động cách mạng. Cái “duyên” của người cán bộ cách mạng là gặp mảnh đất giàu truyền thống đấu tranh, gặp được người lao động, người dân nghèo nhưng luôn tin yêu cách mạng (Duyên may, dây nối đất Hanh Cù).
Một túp lều tranh nơi “cồn vắng”, nơi ấm áp tình người. Đó là “ngôi nhà” của mẹ Tơm, nơi nuôi giấu người cán bộ cách mạng. Nhà chật nhưng lòng người rộng rãi, cũng chính là chỗ dựa, là tổ ấm đi về của những người cán bộ cách mạng đang hoạt động bí mật: Đầu thôn, cồn vắng, túp lều rơm/ Tổ ấm chim về. Có mẹ Tơm/ Hai đứa trai ngày đi cúp dạo/ Nồi khoai sớm tối lót thay cơm/ Thương người cộng sản, căm Tây - Nhật/ Buồng Mẹ - buồng tim - giấu chúng con/ Đêm đêm chó sủa… Làng bên động?/ Bóng mẹ ngồi canh lẩn bóng cồn…
Vậy đó, mẹ Tơm lặng thầm nuôi giấu, lặng thầm giữa đêm hôm khuya khoắt nơi vắng vẻ, đầy bất trắc; không nề hiểm nguy rình rập để canh giấc ngủ cho người cán bộ cách mạng bằng cả tấm lòng yêu thương như con của mình.
Hình ảnh so sánh “Buồng Mẹ - buồng tim - giấu chúng con” cho chúng ta cảm nhận được điều gì? “Buồng tim” là nơi cất giấu kín đáo nhất tình cảm của con người. Mẹ Tơm đã nuôi giấu người cán bộ cách mạng bằng cả mạng sống của mình, bằng tình cảm thiêng liêng của người mẹ với con! Bởi mẹ đã có một niềm tin sắt đá vào người cán bộ cách mạng… Thật hiếm có một tấm lòng bao la, cao cả như tấm lòng người mẹ nghèo miền biển này.
Không chỉ nuôi giấu, che chở người cán bộ cách mạng, mẹ Tơm còn thầm lặng tham gia hoạt động; dù biết công việc này rất nhiều nguy hiểm nhưng mẹ vẫn làm theo cách riêng của mình: Chợ xa, mẹ gánh mớ rau xanh/ Thêm bó truyền đơn gọi đầu tranh/ Bãi cát vàng thau in bóng mẹ…
Nhưng rồi ngọn sóng Cách mạng đã tràn về; khắp nơi nơi dậy lên màu cờ đỏ đấu tranh. Giành quyền tự do, quyền được sống: “Sóng hãy gầm lên, gió thét lên/ Triều dâng. Chèo mạnh thuyền ơi thuyền/ Vui chăng hỡi mẹ, đời vui đó/ Cờ đỏ ta lay động mọi miền!… Hình ảnh bà mẹ nghèo ngày ngày đi chợ, vượt qua bãi cát vắng đìu hiu nhưng trong lòng luôn hướng về Cách mạng đã làm xao động lòng người đọc. Trong ngọn lửa phong trào cách mạng ấy, có công lao hy sinh thầm lặng của mẹ Tơm …
Vẫn trôi theo dòng chảy hoài niệm, giọng thơ chợt chùng xuống bởi nỗi đau mất con của mẹ Tơm: Nhưng một đêm mưa ướt bãi cồn/ Lính về, lính trói cả hai con/ Máu con đỏ cát đường thôn lạnh/ Bóng mẹ ngồi trông, vọng nước non!
Có nỗi đau nào bằng nỗi đau mất con? Cả hai người con của mẹ Tơm cũng đều tham gia hoạt động cách mạng… Chi tiết thật xúc động lòng người là hình ảnh người mẹ ngồi ngóng đợi tin con trong vô vọng, trong đau thương và những giọt nước mắt âm thầm chảy ngược vào trong lòng mẹ xót (Bóng mẹ ngồi trông, vọng nước non!).
Trở về thực tại, tác giả bùi ngùi xúc động khi nhắc tới người xưa đã khuất: Ôi bóng người xưa, đã khuất rồi/ Tròn đôi nấm đất trắng chân đồi/ Sống trong cát, chết vùi trong cát/ Những trái tim như ngọc sáng ngời!/ Đốt nén hương thơm, mát dạ Người/ Hãy về vui chút, mẹ Tơm ơi/ Nắng tươi xóm mới, tường vôi mới/ Phấp phới buồm giong, nắng biển khơi…
Mẹ Tơm ơi, hãy về đây vui cùng con cháu, vui cùng quê hương hòa bình này! Đây những căn nhà mới, những ngả đường mới và tiếng reo vui của những con tàu mới rẽ sóng ra khơi đang chờ đón mẹ…
Tuy mẹ Tơm đã mất nhưng tấm lòng yêu thương người cán bộ cách mạng; tấm lòng thủy chung son sắt cùng cách mạng vẫn còn đó, vẫn sáng ngời cùng thời gian, cùng năm tháng diệu kỳ.
Tháng 8-2020
Lê Lam Hồng