Hiệu quả từ bếp đun cải tiến ở vùng cao Quảng Trị
Thực hành nấu ăn bằng bếp đun cải tiến.
Bếp đun cải tiến được đúc bằng gang, nhiều kích cỡ, tiết kiệm củi đun, giảm phát thải khí nhà kính (khí CO, CO2), bảo vệ rừng, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe cho người dân. Bếp có ba ưu điểm: Tiết kiệm nhiệt lượng, giá rẻ và độ bền cao. Bếp đôi có thể đun hai nồi cùng một lúc, tận dụng hết nhiệt lượng. Trước khi tiến hành hỗ trợ bếp cho người dân, Ban Điều hành dự án đã tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật sử dụng bếp đun cải tiến và nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường cho 600 người là đồng bào Vân Kiều và Pa Cô ở hai huyện miền núi Hướng Hóa và Đa Krông. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền với các hình thức đa dạng, nội dung phong phú nhằm nâng cao nhận thức và huy động sự tham gia của cộng đồng trong việc bảo vệ rừng và sử dụng tài nguyên rừng có hiệu quả như: Tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, tuyên truyền thông qua sinh hoạt các tổ chức đoàn thể và qua hệ thống phát thanh thôn bản, hội thi “Tuyên truyền viên cơ sở giỏi”...
Anh Hồ Lữ, ở thôn Tà Đủ, xã Tân Hợp, huyện Hướng Hóa được hỗ trợ một bếp đun cải tiến để sử dụng thay cho bếp kiềng ba chân truyền thống mà gia đình anh vẫn dùng. Anh Lữ chia sẻ: “Tôi thấy bếp đun cải tiến dễ sử dụng, tiện lợi về nhiều mặt, nhất là tiết kiệm được rất nhiều củi. Một lần nhóm lửa có thể nấu cùng lúc hai nồi cơm và thức ăn, bếp không tạo ra nhiều khói, tiết kiệm thời gian”.
Gia đình chị Hồ Thị Thơi, ở thôn Ruộng, xã Hướng Hiệp, huyện Đa Krông được hỗ trợ một chiếc bếp đun cải tiến. Ngay sau khi sử dụng loại bếp mới, chị Thơi thấy nhiều lợi ích mà bếp mang lại, đó là người dân sẽ hạn chế chặt phá rừng để làm củi đốt, bảo vệ môi trường sống, nhất là tránh được nguy cơ hỏa hoạn. Vì vậy, chị thường xuyên tham gia vận động, tuyên truyền người dân ở địa phương thay đổi thói quen, chuyển sang dùng bếp đun cải tiến.
Ban Điều hành dự án đã tổ chức khảo sát tình hình thực tế tại địa phương, thiết kế sản xuất thử nghiệm và lấy ý kiến của người dân về sử dụng bếp đun cải tiến. Tháng 7-2016, đã có 50 bếp đun cải tiến được chuyển giao cho các hộ gia đình tham gia xây dựng mô hình sử dụng và rút kinh nghiệm. Nhận thấy việc sử dụng loại bếp mới nhiều tiện ích, nhóm chuyên gia tiếp tục chuyển giao thêm 350 bếp đúc cho người dân 10 xã thuộc hai huyện miền núi Hướng Hóa và Đa Krông sử dụng. Đến nay, dự án đã nhân rộng tại 20 xã miền núi, với tổng số 900 bếp đun cải tiến, do Quỹ Môi trường toàn cầu UNDP/GEF SGP tài trợ.
Ông Hà Ngọc Giao - Phó chủ tịch Hội Nông dân huyện Hướng Hóa cho biết: Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động cho nên việc triển khai thực hiện hỗ trợ bếp đun cải tiến cho người dân trên địa bàn các xã vùng khó khăn diễn ra thuận lợi. Đáng chú ý, việc chuyển đổi từ bếp đun truyền thống sang bếp cải tiến đã làm thay đổi hẳn nhận thức của người dân, nhất là hạn chế được nạn phá rừng làm củi đốt, môi trường sống được bảo vệ tốt hơn.
Nguyễn Văn Hai