Ngày 8/4 tại Praha (thủ đô CH Czech), Tổng thống Nga Dmitry Medvedev và Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ký một hiệp ước mới thay thế Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START-I), đã hết hạn cuối tháng 12 năm ngoái.

Sự kiện này sẽ mở ra một bước ngoặt mới trong những nỗ lực nhằm "cài đặt lại" quan hệ giữa hai cựu thù thời Chiến tranh Lạnh, đồng thời hé mở hy vọng về tương lai "một thế giới không vũ khí hạt nhân".

Cách đây một năm, tại cuộc gặp thượng đỉnh ở London, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev và Tổng thống Mỹ Barack Obama đã quyết định tổ chức cuộc đàm phán về hiệp ước mới trong lĩnh vực vũ khí tấn công chiến lược. Tháng 5/2009, hai bên đã bắt đầu đàm phán trên địa bàn “trung lập” tại thành phố Lozanne của Thụy Sĩ.

Theo Hiệp ước START mới, hai nước đều cắt giảm kho vũ khí tấn công chiến lược để 7 năm sau khi văn kiện có hiệu lực, mỗi bên chỉ còn lại không quá 700 đơn vị, kể cả các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, tên lửa đạn đạo bố trí trên tàu ngầm và máy bay ném bom hạng nặng. Còn số lượng đầu đạn thì không vượt quá 1.550 đơn vị.

Hiệp ước mới sẽ có hiệu lực trong vòng 10 năm và có thể gia hạn thêm 5 năm.

Có thể khẳng định rằng việc START mới được ký kết là phù hợp với lợi ích quốc gia của cả Nga và Mỹ, giúp cải thiện sự tin tưởng lẫn nhau giữa hai siêu cường hiện sở hữu tới 95% số vũ khí hạt nhân của toàn thế giới.

Đối với Nga, đây là cơ hội để Moscow gia tăng ảnh hưởng và giành lại thế cân bằng với Washington trên trường quốc tế. Hiệp ước mới cũng là sự thừa nhận của Washington đối với vị thế của Moscow như một đối tác bình đẳng trong các cuộc thương lượng về giải giáp hạt nhân.

Đối với Mỹ, lợi ích rõ ràng nhất mà START mới mang lại là sự cải thiện quan hệ với Nga sau thời gian dài băng giá. Hiệp ước chứng tỏ Moscow sẵn sàng hợp tác với Washington theo một khuôn khổ tích cực hơn so với chính quyền của cựu Tổng thống George Bush.

Riêng đối với Tổng thống Obama, việc ký kết START mới có thể coi là một thành công quan trọng về mặt ngoại giao, đồng thời là bước đi có trọng lượng đầu tiên giúp ông thực hiện mục tiêu về "một thế giới không vũ khí hạt nhân".

Trên thực tế, khi lòng tin giữa Moscow và Washington vẫn chưa được củng cố thực sự thì dư luận vẫn không khỏi hoài nghi về tính khả thi của START mới. Dù được ký kết, song bất đồng giữa hai bên về vấn đề phòng thủ tên lửa vẫn là trở ngại chính.

START mới không đưa ra bất kỳ quy định hạn chế nào đối với việc phát triển hay thiết lập hệ thống phòng thủ tên lửa (NMD). Trong khi Nhà Trắng tuyên bố hiệp ước mới không ngăn cản Washington triển khai NMD, thì Moscow lại quả quyết phải có sự gắn kết giữa vũ khí tấn công và vũ khí phòng thủ chiến lược.

Thậm chí, Moscow còn tuyên bố có thể sẽ rút khỏi hiệp ước mới nếu Washington đi quá xa với việc triển khai NMD tại Đông Âu. Rõ ràng, nếu Washington và Moscow không hóa giải được những bất đồng để củng cố hơn nữa lòng tin, con đường đưa START mới vào thực tế sẽ còn nhiều trắc trở, và mục tiêu về "một thế giới không vũ khí hạt nhân" của ông Obama khó có thể sớm trở thành hiện thực.

Theo VGP

Nguyễn Hoàng