Hiệp hội Doanh nhân CCB tỉnh Thanh Hóa: Vững vàng hơn trong khó khăn, thử thách

Cán bộ Hiệp hội thăm một phân xưởng may thuộc Tập đoàn Tiên Sơn.

Nhiệm kỳ qua, đặc biệt là 3 năm (2020-2022), bên cạnh những thuận lợi cơ bản, cùng với đội ngũ doanh nhân nói chung và doanh nhân CCB cả nước, Hiệp hội DNCCB tỉnh Thanh Hóa phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách chưa từng có. Nhưng, khó khăn, thách thức là thứ “thuốc thử” nhiệm màu làm tỏa sáng bản lĩnh, năng lực, phẩm chất của doanh nhân CCB xứ Thanh.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Hiệp hội DNCCB Việt Nam lần thứ II và Nghị quyết Đại hội Hiệp hội DNCCB tỉnh Thanh Hóa lần thứ III, 5 năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo của cấp ủy Đảng; sự chỉ đạo, giúp đỡ nhiệt tình, hiệu quả của UBND tỉnh và chính quyền ban - ngành - đoàn thể các cấp, Hiệp hội DNCCB tỉnh Thanh Hóa đã đoàn kết, năng động, sáng tạo, khắc phục khó khăn, xây dựng Hiệp hội phát triển vững chắc. Hiệp hội thật sự là “mái nhà chung” mà ở đó những hội viên CCB là chủ các doanh nghiệp, cơ sở SXKD trên địa bàn tỉnh luôn giữ vững và phát huy bản chất, truyền thống của Bộ đội Cụ Hồ trên trận tuyến mới. Hiệp hội thật sự là cầu nối giữa các hội viên với cấp ủy, chính quyền, các ngành chức năng, đoàn thể và nhân dân; là sợi dây liên kết các doanh nghiệp, cơ sở SXKD của CCB với nhau, cung cấp thông tin, trao đổi kinh nghiệm, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt, toàn diện các nhiệm vụ.

Về xây dựng tổ chức, sau 15 năm thành lập, đến nay, Hiệp hội DNCCB tỉnh đã có 441 hội viên (tăng 54 hội viên so với nhiệm kỳ II). Tất cả các hội viên đều đảm nhiệm các vị trí chủ chốt của các cơ sở SXKD. Mặc dù, các doanh nghiệp của CCB có quy mô nhỏ và vừa, ngành nghề đa dạng, nhưng các hoạt động của các loại hình kinh tế của Hiệp hội đã có đóng góp tích cực cho kinh tế của Thanh Hóa.

Khắc phục ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế sau đại dịch, các thành viên của Hiệp hội đã đoàn kết, năng động, sáng tạo, vượt qua khó khăn, ổn định và phát triển SXKD. Hiệp hội đã triệt để tranh thủ những chính sách của Trung ương, địa phương dành cho doanh nghiệp; giúp hội viên tìm hướng đi thích hợp để đầu tư phát triển SXKD, mở rộng thị trường, khởi nghiệp; từng bước hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; xây dựng chất lượng hàng hóa, xây dựng và giữ gìn thương hiệu doanh nghiệp. Trong xu thế phát triển và hội nhập quốc tế sâu rộng, Hiệp hội đã chủ động tuyên truyền, cung cấp thông tin, giúp hội viên nâng cao nhận thức, kiến thức pháp luật…

Bằng mọi cố gắng, tổng doanh thu của Hiêp hội nhiệm kỳ 2018-2023 đạt hơn 78.820 tỷ đồng (vượt 51% nhiệm kỳ trước), nộp ngân sách hơn 816 tỷ đồng (vượt 20% nhiệm kỳ trước); lợi nhuận sau thuế đạt 1.468 tỷ đồng (vượt 22% nhiệm kỳ trước); thu hút hơn 42.600 lao động (tăng 5.400 lao động so với nhiệm kỳ trước); trong đó có nhiều lao động là CCB, con em CCB. Mức lương của người lao động bình quân từ 6,5-10 triệu đồng/người/tháng. Không có doanh nghiệp nào bị phá sản; không có tập thể, cá nhân nào thuộc Hiệp hội vi phạm pháp luật.

Cùng với ổn định và phát triển SXKD, thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” và hưởng ứng các phong trào thi đua, các chương trình an sinh - xã hội, 5 năm qua, Hiệp hội đã vận động các doanh nghiệp thành viên và hội viên đóng góp xây dựng 35 Nhà tình nghĩa tặng các đối tượng chính sách và đóng góp 27,6 tỷ đồng cho các chương trình an sinh xã hội; ủng hộ quỹ phòng, chống thiên tai 9,6 tỷ đồng.

Cán bộ Hiệp hội thăm Công ty dụng cụ thể thao DELTA.

Khi đại dịch covid-19 xảy ra, thực hiện “mục tiêu kép”, vừa chủ động, tích cực có nhiều giải pháp để ổn định SXKD, các thành viên của Hiệp hội vừa tiên phong, gương mẫu tham gia phòng, chống dịch, đóng góp “Quỹ vắc-xin phòng, chống dịch” 21,5 tỷ đồng.

Trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn, mỗi năm trên cả nước có tới hàng chục nghìn doanh nghiệp hoặc ngừng SXKD, hoặc buộc phải phá sản, việc Hiệp hội ổn định, phát triển SXKD, đóng góp tích cực, góp phần ổn định kinh tế, an sinh xã hội của địa phương, là minh chứng trong khó khăn, thử thách, bản lĩnh, năng lực, phẩm chất của doanh nhân CCB tỉnh Thanh càng tỏa sáng.

Tiêu biểu trong SXKD, tham gia phong trào thi đua “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” và hoạt động xã hội - thiện nguyện nhiệm kỳ qua là các doanh nhân CCB: Trịnh Xuân Lâm - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tiên Sơn, Nguyễn Duy Nở - Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Tuấn, Nguyễn Trọng Thấu - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty dụng cụ thể thao DELTA, Trịnh Xuân Tấn - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Thương mại Thiệu Yên, Thanh Hóa và nhiều tập thể, cá nhân khác thuộc Hiệp hội.

Với những thành tích xuất sắc đạt được trên các mặt công tác, đồng chí Trịnh Xuân Lâm - Chủ tịch Tập đoàn Tiên Sơn đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 2020), đồng chí Nguyễn Trọng Thấu - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty dụng cụ thể thao DELTA được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì (năm 2021) và nhiều tập thể, cá nhân khác được tặng thưởng Cờ thi đua, Bằng khen của UBND tỉnh, T.Ư Hội CCB Việt Nam, Hiệp hội DNCCB Việt Nam…

Bề dày thành tích cùng kinh nghiệm gạn lọc được từ thực tiễn SXKD và công tác Hội nhiệm kỳ qua là động lực tiếp thêm sức mạnh để các doanh nhân CCB xứ Thanh vững tin vào thành công trong nhiệm kỳ mới: Tiếp tục phát huy phẩm chất, truyền thống Bộ đội Cụ Hồ; “Đoàn kết - Nghĩa tình - Hợp tác - Cùng phát triển” xây dựng Hiệp hội ngày càng vững mạnh, góp phần xứng đáng vào công cuộc phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội… của địa phương và đất nước.

Trịnh Xuân Lâm - Ủy viên Thường vụ BCH Hiệp hội DNCCB Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội DNCCB tỉnh Thanh Hóa