Hiệp định Geneva: Niềm vui chưa trọn vẹn

Buổi khai mạc hội nghị Geneva về về khôi phục hòa bình ở Đông Dương.

Toan tính của các cường quốc

16 giờ 30 phút phút ngày 8-5-1954, tại phòng số 5, khách sạn Palais des Nations nằm bên hồ Leman của thành phố Geneva thơ mộng, Hội nghị Geneva chính thức khai mạc phiên họp đầu tiên.

Chín chiếc bàn to được xếp thành hình bầu dục cho 9 đoàn ngồi theo thứ tự A-B-C: Anh, Vương quốc Campuchia, Mỹ, Quốc gia Việt Nam (ngụy quyền), Pháp, Vương quốc Lào, Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, CHND Trung Hoa, Liên Xô.

Trong xu thế hòa hoãn quốc tế và giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng thương lượng hòa bình, các đoàn đều đến Geneva với những toan tính riêng của mình. Trong đó, các nước lớn vừa là đạo diễn, vừa là diễn viên chính.

Nước Pháp, bị “tan tác về tư tưởng, kiệt quệ về tinh thần, phá sản về tài chính và tan nát trong trái tim”, đến hội nghị với tư thế không cao, chỉ với một “con hai nhép” và một “con ba rô” trong túi. Tuy nhiên, với kinh nghiệm quốc tế lâu đời, Pháp biết cách lấy Mỹ để đe dọa, dùng Anh để thăm dò, phân hóa đối phương; mặt khác, lôi kéo Liên Xô và Trung Quốc, cô lập Việt Nam.

Mỹ chủ trương ngăn chặn mọi thỏa hiệp bất lợi cho mưu đồ của Mỹ thay chân Pháp ở Đông Dương. Vì vậy, Mỹ tìm mọi cách phá hoại hội nghị, coi đây chỉ là cuộc đình chiến tạm thời để có thời gian tổ chức một hệ thống phòng ngự mới ở Đông Nam Á bao gồm Campuchia, Lào và hai vùng lãnh thổ của Việt Nam.

Anh không muốn cuộc chiến tranh ở Đông Dương kéo dài, cũng không muốn bị kéo vào một cuộc phiêu lưu quân sự tập thể, do vậy ủng hộ việc lập lại hòa bình ở Đông Dương có lợi cho việc củng cố “Khối thịnh vượng chung” của Anh ở châu Á.

Liên Xô ủng hộ lập trường đàm phán của Việt Nam. Tuy nhiên, do đang chủ trương đường lối chung sống hòa bình để nâng cao vị thế quốc tế nên Liên Xô có những tính toán riêng mà Việt Nam lúc ấy chưa hiểu hết được.

Đặc biệt, Trung Quốc lấy thế là nước viện trợ chủ yếu cho Việt Nam, vin cớ “làm thất bại sự phá hoại của Mỹ”, và lợi dụng việc Pháp không muốn đàm phán trên thế yếu với Việt Nam để tự đứng ra thương lượng trực tiếp với Pháp về các giải pháp cho chiến tranh mà không tham khảo ý kiến của Việt Nam. Trung Quốc chủ động đưa ra những điều kiện nhân nhượng với Pháp: Không đồng ý để đại biểu Chính phủ kháng chiến Lào và Campuchia đến Hội nghị Geneva cùng với đại biểu Việt Nam đàm phán với Pháp; giải quyết vấn đề quân sự trước mà không nói gì đến giải pháp chính trị; chủ trương chia cắt lâu dài Việt Nam làm hai miền với giới tuyến có lợi cho Pháp (thậm chí đưa ra phương án bỏ cả Thủ đô Hà Nội, đường số 5 và Hải Phòng), công nhận Chính phủ vương quốc Lào và Vương quốc Campuchia, đòi quân đội nước ngoài rút khỏi Lào và Campuchia mà không nói gì đến bảo vệ thành quả cách mạng của hai nước này… Đổi lại những nhân nhượng ấy, Trung Quốc chỉ yêu cầu Pháp không để có căn cứ quân sự Mỹ ở Đông Dương.

Về phần Việt Nam, đến Geneva với tư thế đại biểu cho một dân tộc chiến thắng, nhiều vấn đề không có tiếng nói của Việt Nam thì không thể giải quyết được. Lập trường của Việt Nam rất rõ ràng, vừa giữ vững những vấn đề mang tính nguyên tắc, vừa có sách lược mềm dẻo nhằm đạt mục tiêu cao nhất. Tuy nhiên, chúng ta có ít kinh nghiệm đàm phán, ít thông tin về các cuộc mặc cả, lại bị gây sức ép và đối phó với những toan tính và sự dàn xếp của các nước lớn.

Sau 8 phiên họp toàn thể và 23 phiên họp hẹp, 3 giờ 45 ngày 21-7-1954, ba hiệp định đình chiến ở Việt Nam, Lào, Campuchia đã được kí kết; 15 giờ cùng ngày, công bố Tuyên bố chung của Hội nghị gồm 13 điểm. Các văn kiện này chính là Khung pháp lý của Hiệp định Geneva về Đông Dương. Riêng Mỹ không kí Tuyên bố chung, rời hội nghị ra về và yêu cầu Đoàn Nam Việt Nam không được kí.

Thắng lợi chưa trọn vẹn

Kết quả và thắng lợi lớn nhất của Hiệp định Geneva là: Pháp buộc phải chấm dứt chiến tranh xâm lược, rút hết quân về nước; các nước lớn công nhận các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam là độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; nghiêm cấm quân đội nước ngoài xâm nhập lãnh thổ Việt Nam. Tuy nhiên, do những nguyên nhân nêu trên, Hiệp định chưa phải là một thắng lợi trọn vẹn cho Việt Nam.

Trước hết, mặc dù đã nhấn mạnh “dù bất kì thế nào cũng không được coi vĩ tuyến 17 là ranh giới chính trị hay lãnh thổ”, rằng sự chia cắt chỉ là tạm thời và tổng tuyển cử tự do và dân chủ phải được tổ chức trước tháng 7-1956, nhưng rõ ràng, chỉ bằng một nét bút, Việt Nam đã bị chia cắt giả tạo thành hai miền. Giới tuyến phân vùng chưa thật thỏa đáng, thời gian tổng tuyển cử lùi đến 2 năm nhưng rồi cũng bị phá bỏ.

Thứ hai, Việt Nam đã kiên trì đấu tranh để bảo vệ quyền đại diện và lợi ích chính đáng của lực lượng kháng chiến Lào và Campuchia, nhưng chỉ giành được khu tập kết cho Pa-thét Lào ở hai tỉnh, không đạt được việc điều chỉnh vùng đóng quân cho Khơ-me It-xa-rắc. Chính điều này đã gây những “lăn tăn”, hiểu nhầm cho phía bạn Campuchia trong một thời gian dài.

Các nhà phân tích nước ngoài nhận xét: “Hội nghị Geneva về Đông Dương rõ ràng là một sự thoả hiệp và không làm ai vừa lòng. Phương Tây không bao giờ chịu nhường phần lớn chiếc bánh cho ai... Đối với các chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam, hội nghị mới đưa lại cho họ một nửa thành công”.

Tuy nhiên, dưới góc độ lịch sử, Hiệp định Geneva không chỉ tạo ra cho Việt Nam một thời gian hoà hoãn trước khi bước vào cuộc đối đầu lịch sử với kẻ xâm lược giàu mạnh nhất thế giới. Với những cái được và chưa được của nó, Hiệp định đã đưa đến cho Việt Nam những điều quý báu, đó là, kinh nghiệm tiến hành cuộc kháng chiến từ hai bàn tay trắng, một miền Bắc hoàn toàn được giải phóng là hậu phương lớn của tiền tuyến lớn, vị thế được nâng cao trên trường quốc tế,... tức những gì cần thiết cho một cuộc trường chinh mới.

Đăng Song