Việc xây dựng cơ sở dữ liệu về liệt sĩ, mộ liệt sĩ từ trước đến nay đã được Bộ LĐTBXH, Bộ Quốc phòng thực hiện trên giấy. Trên thực tế, với hàng trăm nghìn ngôi mộ còn thiếu thông tin thì chưa có cách nào để đối chiếu và xác định danh tính cho các liệt sĩ.
Việc xây dựng Cổng thông tin điện tử về liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ (có tên miền thongtinlietsi.gov.vn) là nghĩa cử tri ân. Không chỉ tạo điều kiện cho nhân dân và thân nhân liệt sĩ tiếp cận thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ nhanh chóng, chính xác hơn, các thông tin trên cổng thông tin điện tử về liệt sĩ sẽ giúp thân nhân liệt sĩ giảm bớt khó khăn trong hành trình tìm mộ người thân. Đây là hệ thống ứng dụng đầu tiên được xây dựng và phát triển với mục tiêu cung cấp thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ đến với người dân. Hiện hệ thống này được cập nhật, bổ sung, kiểm soát tính chính xác của các thông tin và do Cục Người có công (Bộ LĐTBXH) quản lý, sử dụng.
Với mạng lưới hơn 12.000 điểm phục vụ và gần 43.000 nhân viên trải rộng tới tận cấp xã, thôn bản và hệ thống công nghệ thông tin hiện đại, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam được Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ LĐTBXH và Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ phối hợp xây dựng quy trình về phân chia dữ liệu các cấp, các phần mềm ứng dụng phục vụ cổng thông tin và thu thập dữ liệu về liệt sĩ, mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ trên toàn quốc. Cổng thông tin điện tử về liệt sĩ có đầy đủ các chức năng tra cứu thông tin về mộ liệt sĩ, gửi yêu cầu tra cứu thông tin của người thân, viết tin bài, cập nhật bổ sung thông tin... Trong thời gian qua, mỗi nhân viên bưu điện thực hiện thu thập hình ảnh mộ liệt sĩ tại các nghĩa trang thông qua điện thoại thông minh (smartphone) đã cài đặt phần mềm có các tính năng: Chụp ảnh bia mộ liệt sĩ, gắn tọa độ, thời gian, dán nhãn nội dung từng bức ảnh... để thu thập dữ liệu. Mỗi nhân viên thực hiện đều có trách nhiệm kiểm tra, so sánh thông tin giữa thực tế và dữ liệu do các Sở LĐTBXH cung cấp. Nếu thông tin trùng khớp, mỗi ngôi mộ sẽ được chụp 3 bức ảnh: Chính diện bia, toàn thể ngôi mộ và khung cảnh rộng ngôi mộ cùng với một số ngôi mộ xung quanh. Sau khi chụp xong, ứng dụng phần mềm sẽ chuyển thông tin thu thập được về hệ thống máy chủ. Bằng việc sử dụng công nghệ mới, công nghệ thông tin trong việc thu thập thông tin, những hình ảnh, dữ liệu về tên tuổi, bia mộ, tọa độ... sẽ được đối chiếu với kho dữ liệu của Bộ LĐTBXH và Bộ Quốc phòng. Sau này, phần mộ của tất cả các liệt sĩ ở đâu, vị trí thế nào, nghĩa trang nào sẽ đều có thông tin. Sau khi có cơ sở dữ liệu về phần mộ liệt sĩ, sẽ xác định từng thân nhân gia đình liệt sĩ, tích hợp vào hồ sơ thông tin về con em gia đình liệt sĩ, gia đình có hoàn cảnh khó khăn để công tác đền ơn đáp nghĩa sau này được thực hiện bài bản, tốt hơn.
Đại diện Bộ LĐTBXH cho biết, từ khi có chủ trương đến hết tháng 5, hơn 800.000 ngôi mộ trên tổng số 900.000 ngôi mộ đã được bổ sung thông tin, đạt khoảng 91% và hiện đang tiếp tục hoàn thành. Nhiều địa phương hoàn thành 100% kế hoạch như: Quảng Trị, Quảng Ngãi, Long An, Hải Phòng, Tiền Giang, Bến Tre, Quảng Bình, Bắc Ninh, Đồng Tháp, Bình Dương, Đồng Nai, Phú Thọ, Gia Lai, Phú Yên, Bình Thuận, Bạc Liêu, Cà Mau, Ninh Bình, Cần Thơ, Hậu Giang, Kon Tum, Điện Biên, Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Lạng Sơn, Cao Bằng…
Để Cổng thông tin điện tử về liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ ra mắt phục vụ người dân cả nước và đặc biệt là thân nhân các liệt sĩ vào tháng 7-2018 nhân dịp Kỷ niệm 71 năm Ngày TBLS, Tổng công ty Bưu điện rất nỗ lực để hoàn thành việc thu thập dữ liệu thực tế.
Dương Sơn