Hè này với trẻ em (30/06/2011)
Theo Bộ LĐTBXH, sau 10 năm thực hiện Chương trình hành động quốc gia “Vì trẻ em Việt Nam” giai đoạn 2001-2010, sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở nước ta đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ, được xã hội ghi nhận, thể hiện tấm lòng yêu thương của chúng ta với thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả to lớn, tích cực đạt được, trong vấn đề chăm sóc, bảo vệ trẻ em ở nước ta vẫn còn không ít những chuyện tiêu cực, những hạn chế cần được khắc phục. Ở nhiều địa phương, vẫn còn nhiều cháu thiếu niên, học sinh phải đi làm thuê như khuân gạch, đào đất, đẩy xe… rất vất vả để kiếm tiền phụ giúp gia đình. Tình trạng ngược đãi trẻ em như đánh đập, chửi mắng xúc phạm nhân phẩm của trẻ vẫn còn xảy ra gây nên những bức xúc cho dư luận xã hội. Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng ở nước ta còn cao, nhất là tại các vùng nông thôn, vùng cao biên giới, vùng sâu vùng xa. Theo thống kê của cơ quan chức năng, mỗi năm cả nước ta có hơn 7.300 trẻ em tử vong vì tai nạn, thì có 6.000 em tử vong do bị đuối nước. Theo Liên đoàn cứu sinh thế giới, tỷ lệ trẻ em chết vì đuối nước ở Việt Nam cao gấp hơn hai lần tỷ lệ bình quân của thế giới nói chung.
Nguyên nhân của tình trạng này có nhiều, nhưng chủ yếu là do nguyên nhân chủ quan, do người lớn thiếu quan tâm, chăm sóc trẻ em trong những ngày hè. Nước ta có hệ thống sông suối, ao hồ nhiều, bờ biển dài nên khi trời nắng nóng, trẻ em thường rủ nhau đi tắm, bơi lặn nên nguy cơ mất an toàn rất cao. Thứ hai, rất nhiều trẻ em không biết bơi, không được dạy bơi nên khi sa chân xuống chỗ nước sâu dễ bị đuối nước. Thứ ba, tại nhiều địa phương vùng núi do còn khó khăn nên vẫn tồn tại tình trạng học sinh và người dân phải vượt qua sông, suối bằng bè, mảng tự chế; không có trang thiết bị bảo đảm an toàn. Chuyện các chủ phương tiện coi thường không chấp hành các quy định về an toàn như không có trang bị cứu hộ, không có người và phương tiện làm công tác bảo hiểm sinh mạng còn diễn ra phổ biến.…
Vấn đề bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong mùa hè này ngoài sự giúp đỡ của các cấp chính quyền, cơ quan chức năng, trường học thì trách nhiệm chính vẫn thuộc các gia đình. Các gia đình cần quan tâm, chú ý đến mọi hoạt động của trẻ và dành cho trẻ những gì tốt nhất. Các CCB, CQN cần phát huy vai trò, vị trí của mình đóng góp tích cực vào sự nghiệp này, đặc biệt trong vấn đề bảo ban, làm gương cho các cháu trong chuyện chấp hành các quy định của Luật An toàn giao thông, động viên các cháu học tập và đặc biệt là tại nhiều địa phương có thể giúp các cháu tổ chức lớp học bơi, chơi thể thao; thiết thực giúp trẻ em vừa học, vừa chơi, an toàn và có ích trong mùa hè này, thực hiện tốt chủ đề “Vì môi trường an toàn, thân thiện và lành mạnh cho mọi trẻ em” của Tháng hành động “Vì trẻ em Việt Nam” năm nay.
Thanh Huyền