“Hay thật”... vẫn nói lấy được!

GS. Thiếu tướng Bùi Phan Kỳ
Đảng ta đang chuẩn bị Văn kiện cho Đại hội Đảng lần thứ XII thì nhóm “đảng viên” lại lợi dụng mạng Internet viết "Thư ngỏ gửi Ban chấp hành T.Ư và toàn thể đảng viên ĐCSVN", đặt ra những yêu cầu "trái khoáy" khiến người trung thực phải lên tiếng:

  1. Họ vũ đoán và vu cáo: "Từ nhiều năm nay, ĐCSVN dắt dẫn dân tộc đi theo đường lối sai lầm về xây dựng CNXH theo mô hình Xô viết".
    Tôi dám chắc trong nhóm họ, không ai hiểu "mô hình Xô viết" hơn Nguyễn Ái Quốc, người sáng lập ĐCSVN, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là CHXHCN Việt Nam). Với thực tiễn và lý luận phong phú lại có tác phong "lời nói đi đôi với việc làm" Người đã viết như một “đánh giá” mang tính lý luận: "Chủ nghĩa tân dân chủ của Việt Minh khác hẳn với chủ nghĩa độc tài phát xít của bọn tư bản tài chính Anh, Mỹ, nó cũng không giống chủ nghĩa Xô viết của vô sản chuyên chính ở Nga, cũng không giống chế độ dân chủ đại nghị thối nát ở Pháp hồi trước chiến tranh. Chủ nghĩa tân dân chủ của Việt Minh có tính chất hoàn toàn Việt Nam. Nó dựng lên một nước Việt Nam dân chủ cộng hòa lối mới, một nước Việt Nam hùng cường và tiến bộ" (1).
    Tuyệt đại bộ phận người viết "thư ngỏ" đều vào Đảng từ 1946 đến 1969, thời Chủ tịch Hồ Chí Minh, Liên Xô còn đứng đầu phe XHCN. Tuyệt nhiên không thấy họ hé răng về "sai lầm theo mô hình Xô viết của ĐCSVN". Nay Liên Xô tan rã, họ chơi trò "dậu đổ bìm leo", nói bừa rằng Đảng cộng sản Việt Nam đã phạm sai lầm dẫn dân tộc theo "mô hình Xô viết"(?). Chỉ cần chỉ ra vài nét khác nhau căn bản cũng đủ chứng minh tính hồ đồ trong luận điệu của họ: Một cuộc khởi nghĩa toàn dân mang tính dân tộc ở xứ Đông Dương thuộc Pháp sao lại theo mô hình khởi nghĩa giai cấp ở đế chế Sa hoàng? Chế độ Xô viết được thiết lập ở Nga ngay sau Cách mạng Tháng Mười 1917, còn ở Việt Nam mãi 9 năm sau kháng chiến chống Pháp mới tiến hành cải tạo XHCN trên miền Bắc và đến 30 năm sau mới tiến hành trên cả nước. Ở Nga "Koulak" (phú nông) là đối tượng phải đày đi Sibérie, còn ở Việt Nam, trong cải cách ruộng đất là đối tượng trung lập (trừ Xô viết Nghệ Tĩnh, được sửa ngay). "Mô hình Xô viết" nào đề xuất "Giương cao 2 ngọn cờ độc lập dân tộc và CNXH?"; mô hình nào chỉ đạo một đất nước tiến hành đồng thời 2 chiến lược cách mạng; dạy nghệ thuật quân sự "lấy ít địch nhiều, lấy yếu chống mạnh, lấy nhỏ thắng lớn", tác chiến trên 3 vùng chiến lược"; dạy "vừa đánh vừa đàm"...?
    Dẫn ra như thế để thấy rằng mấy vị “đảng viên” nói "ĐCSVN dẫn dắt dân tộc đi theo đường lối sai lầm về xây dựng CNXH theo mô hình Xô viết" là phủ định đích thân Hồ Chí Minh, người suốt đời bị Quốc tế Cộng sản coi là "phần tử dân tộc chủ nghĩa, không triệt để về giai cấp". Phủ định Hồ Chí Minh, họ đã tự đồng nhất quan điểm với nhóm "chống cộng cực đoan", luôn tự nhận "mang căn cước tị nạn cộng sản", đã ra đi sau ngày 30-4-1975, đang bị Cộng đồng người Việt phê phán.
  2. Họ khẳng định Đảng "giữ nguyên chế độ độc đảng, toàn trị, kìm hãm tự do dân chủ và chia rẽ dân tộc". Ý nói không thực hiện đa nguyên, đa đảng, không chấp nhận yêu cầu từ bỏ Chủ nghĩa Mác - Lê-nin của họ.
    Ai cũng biết: Vấn đề cơ bản của mọi cuộc cách mạng là giành (và giữ) chính quyền. Không cuộc cách mạng nào không do một giai cấp lãnh đạo, tuân theo mục đích giai cấp. Cũng không giai cấp nào, sau khi đổ xương máu làm cách mạng thành công lại từ bỏ quyền lãnh đạo chế độ, mà đi mời giai cấp khác lên nắm chính quyền. Cơ chế đa nguyên, đa đảng của nền dân chủ tư sản, xét cho cùng, chỉ là sự phân chia quyền lực giữa các phe nhóm trong nội bộ tư sản, không hề đa nguyên với công nông.
    Trong lịch sử các dân tộc, cảnh thái bình thịnh trị không hề biết đến đa nguyên: như thời Lý Thánh Tông, Minh trị Thiên Hoàng, Pi-e đại đế... Ngày nay, Arập Xêút, xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới, I-ran, đối thủ hạt nhân của Mỹ, Bru-nây, có thu nhập quốc dân cao nhất Đông Nam Á... đâu tại đa nguyên? Bởi vì thịnh suy của một đất nước, tùy thuộc trước hết vào tài đức của người cầm quyền, đúng như ông cha ta căn dặn: "Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh và hưng thịnh, nguyên khí suy thì nước yếu mà thấp kém" (2). Nó không tùy thuộc ít hay nhiều đảng, càng không phụ thuộc cơ chế phân chia quyền lực giữa các đảng.
    Đôi lời nói lại với nhóm “đảng viên” tác giả của lá thư ngỏ có nhiều nội dung không phù hợp, nếu như không muốn nói là vũ đoán và hồ đồ-thậm chí là vu cáo!
    Họ “hay thật” đấy... vẫn nói lấy được !

(1) Hồ Chí Minh - Con đường giải phóng. Tháng 1-1941
(2) Thân Nhân Trung - Bia Văn Miếu