Hãy giúp đầu ra cho quả mận Pác Nặm!
Chị Cà Thị Lan đang thu hái mận sớm.
Phó Chủ tịch UBND huyện Pác Nặm - Nguyễn Đình Điệp cho biết: Thấy cây mận chín sớm dễ trồng, công chăm sóc ít, phù hợp với khí hậu, thời gian trồng chỉ khoảng 4 năm là được thu hoạch nên nhiều bà con đã dành phần lớn diện tích đất trồng ngô để chuyển sang trồng mận. Giống cây này được trồng rải rác ở nhiều xã trên địa bàn huyện, tập trung nhiều ở các xã như: Nghiên Loan khoảng 115ha, Xuân La khoảng 41ha, Bằng Thành 34ha và trồng rải rác ở các xã Cổ Linh, Giáo Hiệu, An Thắng...
Hộ gia đình chị Cà Thị Lan (thôn Thôm Mèo, xã Xuân La) 3 năm trở lại đây đã chuyển đổi gần 2ha đất đồi sang trồng cây mận chín sớm. Đến nay, toàn bộ vườn mận trên 600 gốc của gia đình đã bắt đầu cho thu hoạch. Theo chị Lan, mận sớm ngon, giòn, là sản phẩm sạch nên được tư thương từ Thái Nguyên, Hà Nội, Quảng Ninh... đến thu mua. Tuy nhiên, do không có cam kết bao tiêu sản phẩm nên nhiều khi người trồng bị ép giá, ảnh hưởng tới thu nhập. Vụ thu hoạch năm 2017, giá bán đầu vụ được từ 25.000 đến 30.000 đồng/kg. Sau đó giá cả bấp bênh, có lúc chỉ bán được 10.000 đồng/kg.
Chủ tịch UBND xã Xuân La - Triệu Thị Chầm cho biết: Ở Xuân La, bình quân mỗi hộ có từ 400 - 600 cây cả mận tam hoa và mận chín sớm. Nhìn chung, xã khuyến khích người dân chuyển đổi vườn tạp, nương đồi trồng ngô kém hiệu quả sang trồng mận. Tuy nhiên, để phát triển bền vững loại cây trồng này, xã rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, ngành trong việc quy hoạch vùng, diện tích, kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch và đặc biệt là khâu tiêu thụ sản phẩm để cây mận chín sớm có thể trở thành cây hàng hóa chủ lực của địa phương.
Hiện nay, ước tính sản lượng quả mận của toàn huyện Pác Nặm đạt khoảng 300 tấn. Khoảng 2 đến 3 năm nữa, nếu cả 250ha cây mận đều đồng loạt cho thu hoạch quả thì vấn đề đầu ra sẽ nan giải hơn. Theo ông Nguyễn Đình Điệp, UBND huyện đang chỉ đạo các xã tuyên truyền, vận động bà con nhân dân không trồng mới cây mận chín sớm, không mở rộng diện tích.
Người trồng mận Pác Nặm đang mong muốn được các công ty, doanh nghiệp cả trong, ngoài tỉnh đến bao tiêu sản phẩm, nhất là những công ty, doanh nghiệp có khả năng sơ chế, chế biến để tăng giá trị cho quả mận. Để cây mận chín sớm thực sự trở thành cây “xoá đói giảm nghèo” hiệu quả ở huyện vùng cao tỉnh Bắc Kạn.
Văn Lạ