Hãy đừng là người mất trí
Sinh thời, Bác Hồ muôn vàn kính yêu của chúng ta đã dạy: "Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam...".
Rồi hồi ngồi trên ghế trường đại học, chúng tôi đã được một vị Giáo sư đáng kính (nhiều người trong và ngoài nước vẫn xem ông như một nhà bác học) truyền dạy: Một con người quên quá khứ cũng như một quốc gia dân tộc lãng quên lịch sử. Người quên quá khứ là đánh mất trí nhớ và mất trí nhớ cũng có nghĩa là mất trí.
Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, ngẫm lời thầy, lại thấy viêc mà Bộ Giáo dục-Đào tạo đã và đang làm mà lo!
Thiển nghĩ, nếu một quyết sách của quốc gia mà làm cho dân mình lãng quên lịch sử, mơ hồ với lịch sử là có tội với lịch sử, với tổ tiên. Một nhà tư tưởng lớn có nói: "Nếu chúng ta bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lại sẽ nã vào ta bằng đại bác!".
Phàm đã là người ai cũng phải có Tổ có Tông; một quốc gia dân tộc phải có gốc gác, nguồn cội... Là người Việt ta, thử hỏi ai không sôi trào khí huyết khi đọc "Nam quốc sơn hà Nam Đế cư..." (bài thơ "Thần", tương truyền của Lý Thường Kiệt), hay: "... Trải Triệu, Đinh , Lý, Trần, bao đời gây nền độc lập/ Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên, mỗi nơi hùng cứ một phương..." ("Đại cáo bình Ngô" của Nguyễn Trãi)? Những áng "Thiên cổ hùng văn" kể trên, hay hình tượng Phù Đổng Thiên Vương..., được chắt ra từ hồn cốt lịch sử Dân tộc là niềm tự hào, là "Sức mạnh Phù Đổng" giúp biết bao thế hệ người Việt đoàn kết đồng lòng vượt qua muôn vàn gian khó, hy sinh, để dựng nước và giữ nước. Còn nội dung lịch sử được chuyển tải trong sách giáo khoa, hay phương pháp truyền đạt của thầy-cô dạy sử như thế nào để hấp dẫn, cuốn hút học sinh lại là chuyện khác.
Cách đây vài tuần, cũng ở mục "Góc nhìn" của trang báo này, tôi có bài viết "Lại một quyết định trên trời!", khi Bộ Giáo dục-Đào tạo quy định một lớp học phổ thông cơ sở chỉ có 25 học sinh, và cho rằng: bên cạnh những cố gắng, đạt được một số thành quả; thời gian gần đây, Bộ đã có nhiều cải tiến, cải lùi, đang muốn biến các cháu học sinh phổ thông thành đồ thử nghiệm... gây bức xúc, buồn lòng cho xã hội.
Cuộc hội thảo do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức vào Chủ nhật vừa rồi có thể được xem như một "Hội nghị Diên Hồng" về sự tồn vong của môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông. Tại diễn đàn này, có vị Giáo sư đã cay đắng nói: Bộ Giáo dục-Đào tạo thực hiện một quá trình "chuyển hóa" môn Lịch sử từ môn học chính, bắt buộc sang môn "tự chọn", rồi môn "thay thế" và giờ đây đã chính thức khai tử môn Lịch sử khỏi chương trình giáo dục phổ thông, dưới danh nghĩa "tích hợp", lồng ghép nó vào môn "Công dân với Tổ quốc". Nhưng môn học này như thế nào thì, theo một PGS-TS được giao đảm trách nội dung đã phải kêu trời là "bó tay chấm com" vì chưa thấy trên thế giới có nước nào "tích hợp" như thế này!
Trong muôn vàn nỗi lo về việc môn học Lịch sử bị khai tử khỏi chương trình giáo dục phổ thông, có một nỗi lo, cũng phải thưa với các vị thích "tích hợp" rằng: hậu duệ của những kẻ từng bạc tóc khi nghe tiếng trống đồng Đông Sơn của người Việt, đang ngày đêm, hoặc ở nơi này, nơi khác cố tình xuyên tạc lịch sử Việt Nam; họ sẽ rất mừng nếu chúng ta đánh mất trí nhớ, đang rất mong con cháu chúng ta lãng quên lịch sử!
Hưng Nguyễn