Hậu quả khi bị stress kéo dài

Nên tham gia giao lưu tại các CLB để giảm áp lực căng thẳng, giải tỏa stress.

Nếu stress kéo dài triền miên không được xử lí kịp thời có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng:

Không thể có giấc ngủ ngon: Stress có thể khiến bạn ở trạng thái bồn chồn, lo lắng quá mức khiến không ngủ được.

Trí nhớ giảm sút: Nghiên cứu của Đại học California, Mỹ, cho thấy các tế bào gốc thần kinh vùng cổ hải mã có tác dụng quan trọng đối với trí nhớ. Nếu căng thẳng lâu ngày, những tế bào gốc này trở thành oligodendrocytes, bao bọc bởi một chất cách điện gọi là myelin. Myelin ảnh hưởng đến sự cân bằng giao tiếp của não, làm thay đổi cách các nơ-ron kết nối với nhau. Những thay đổi này tác động đến chức năng nhận thức, gây suy giảm trí nhớ, trầm cảm, lo âu.

Nguy cơ đột quỵ: Căng thẳng xuất hiện khi chúng ta bị áp lực về tâm lí hoặc có cú sốc tinh thần. Tình trạng này làm tăng hoạt động của hệ thần kinh giao cảm, khiến huyết áp tăng và tăng co bóp cơ tim, từ đó dẫn đến áp lực dòng máu tăng lên đột ngột. Đồng thời, căng thẳng thần kinh cũng làm tăng lượng cholesterol xấu khiến mảng xơ vữa dễ hình thành hơn, gây nhồi máu cơ tim.

Nguy cơ cao bị trầm cảm: Thông thường cơ thể bạn có thể tự hồi phục sau căng thẳng. Nhưng nếu những đợt căng thẳng đến liên tục và kéo dài, khả năng này sẽ bị giảm đi. Khi đó, những áp lực nặng nề đối với tâm trạng của bạn sẽ gây ra nhiều hệ lụy như chán nản, lo lắng, buồn phiền hay mất ngủ. Nhịp đồng hồ sinh học của cơ thể thay đổi khiến cơ thể luôn uể oải, tâm lí khó chịu, dễ cáu gắt với người khác, từ đó gây ra chứng trầm cảm.

Rụng tóc: Stress nghiêm trọng có thể dẫn đến rụng tóc. Một số nghiên cứu cho thấy rằng bạn sẽ mất nhiều tóc trong trường hợp stress nghiêm trọng và xảy ra đột ngột.

Các cơ quan nội tạng hoạt động kém đi: Khi bị stress thì tim, phổi, thận và các cơ quan khác nhận được ít năng lượng hơn khi cơ thể phải tập trung đối phó với căng thẳng. Đây là lý do gây ra tình trạng khó tiêu, đau đầu, ốm vặt thường xuyên và những hậu quả đáng tiếc khác.

Tăng khả năng sẩy thai: Sự thay đổi nội tiết tố khi thai nghén khiến thai phụ có nguy cơ bị stress và rối loạn tâm thần cao hơn người thường. Các dạng rối loạn khác nhau sẽ gây ảnh hưởng lên thai kỳ khác nhau. Rối loạn stress sau sang chấn có thể gây ra tình trạng thai ngoài tử cung, nôn nhiều, sẩy thai hoặc chuyển dạ sớm.

Thùy Linh