Hậu Giang: Phát triển kinh tế bền vững (01/03/2013)

Nguồn thu ngân sách chỉ đảm bảo 25% nhu cầu, tổng vốn đầu tư toàn xã hội và nhiều chỉ tiêu KTXH thấp nhất so với các tỉnh trong khu vực…

Sự nghèo khó khiến người dân thiếu ăn, cơ sở hạ tầng thấp kém, bộ mặt thành thị, nông thôn chậm phát triển. Vì vậy muốn bứt phá, thoát nghèo nàn, lạc hậu, phải phát triển KTXH theo hướng CNH, HĐH nông nghiệp và nông thôn. Xác định rõ điều đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hậu Giang đã đồng lòng, chung sức nỗ lực phấn đấu, có định hướng đúng, giải pháp phù hợp để tăng tốc, tạo bước nhảy vọt phát triển KTXH.

Tính đến cuối năm 2012, tỉnh Hậu Giang đạt và vượt 100% các chỉ tiêu chủ yếu về KTXH, trong đó có 7 điểm nổi bật là: Tốc độ tăng trưởng GDP vượt 14,13% (cao nhất vùng ĐBSCL), thu nhập bình quân đầu người đạt 23,64 triệu đồng (tăng gần 21% so với năm trước), giảm số hộ nghèo còn 17% theo tiêu chí mới... Đáng chú ý là các chỉ tiêu về tài chính đều tăng so với năm 2011 như: Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên 11.650 tỷ đồng (tăng gần 21%); tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ thu ngoại tệ hơn 240 triệu USD (tăng 11%); giá trị sản xuất công nghiệp và thương mại - dịch vụ đều tăng 24,5%; tổng thu ngân sách trên địa bàn hơn 5.700 tỷ đồng (tăng 15%)…

Sự tăng trưởng kinh tế của Hậu Giang đã nhanh chóng làm thay đổi bộ mặt đô thị, nông thôn và cơ sở hạ tầng ở vùng sông nước. Bằng nguồn lực nội sinh, tỉnh đã làm nhiều công trình giao thông quan trọng như nâng cấp tỉnh lộ 928, xây dựng mới con đường nối hai thành phố Vị Thanh-Cần Thơ dài 40km, rộng 11,5m, hình thành mạng lưới giao thông đường bộ nối liền Hậu Giang với các tỉnh ĐBSCL và TP Hồ Chí Minh, tạo sự liên kết phát triển KTXH. Các huyện, thị cũng khánh thành, đưa vào sử dụng nhiều công trình giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục, văn hóa nâng cao đời sống nhân dân.

Để nông nghiệp phát triển bền vững, ông Trần Công Chánh, Chủ tịch UBND tỉnh nêu rõ: “Hậu Giang ưu tiên khuyến khích, hỗ trợ các thành phần kinh tế ứng dụng công nghệ trong lai tạo, nhân giống có hàm lượng công nghệ cao và đầu tư cho các vùng, ngành trọng điểm, tạo nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, đạt giá trị từ 100 triệu đồng/ha/năm”. Hiện nay tỉnh đang triển khai xây dựng khu công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, làm hạt nhân phát triển nông nghiệp hiện đại ở vùng Tây Sông Hậu; đồng thời xây dựng nhiều mô hình sản xuất dựa trên thế mạnh sẵn có nhằm giữ vững sản lượng hơn 1,2 triệu tấn lúa/năm và các loại cây, con đặc sản nổi tiếng như: khóm Cầu Đúc, bưởi Năm roi Phú Hữu, quýt đường Long Trị… đã trở thành sản phẩm chủ lực ở địa phương.

Hậu Giang đã đi tiên phong trong vùng về xây dựng nhiều cánh đồng mẫu lớn theo mô hình HTX để có nhiều diện tích, sản lượng lúa và dùng cơ giới thay sức con người. Tỉnh đã mở rộng quy hoạch xây dựng 5 cánh đồng mẫu lớn ở các huyện Vị Thủy, Châu Thành A, Phụng Hiệp, Long Mỹ, thị xã Ngã Bảy với quy mô mỗi cánh đồng từ 300-500 ha, được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống đê bao, trạm bơm điện tưới tiêu nước, cơ giới hóa làm đất, gặt đập lúa. Nông dân được tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ vật tư như giống, phân bón, thuốc trừ sâu và bao tiêu toàn bộ sản phẩm hàng hóa.

Bên cạnh sản xuất nông nghiệp, Hậu Giang còn tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - thương mại - dịch vụ. Đến nay tỉnh có ba cụm công nghiệp lớn thu hút 20 doanh nghiệp/41 nhà đầu tư hoạt động và hơn 2.200 doanh nghiệp nhỏ chủ yếu sản xuất hàng tiêu dùng, chế biến lương thực, thủy sản, làm gạch ngói… tạo việc làm cho hàng ngàn lao động và đóng góp quan trọng vào ngân sách của địa phương. Năm 2012 giá trị hàng hóa xuất khẩu hơn 210 triệu USD, là nỗ lực vượt khó, linh hoạt của các doanh nghiệp. Du lịch sinh thái miệt vườn sông nước, kết hợp tham quan các di tích lịch sử cấp quốc gia thu hút đông đảo khách trong và ngoài nước đến với những địa danh nổi tiếng như: Di tích Nam Kỳ khởi nghĩa ở xã Phú Hữu (Châu Thành A), di tích Liên hiệp đình chiến Nam Bộ và căn cứ Tỉnh ủy Cần Thơ ở xã Phương Bình (Phụng Hiệp), di tích chiến thắng Tầm Vu ở xã Tân Xuân (Châu Thành A), Đền thờ Bác Hồ ở xã Lương Tâm (Long Mỹ)…

Bước vào năm 2013, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hậu Giang nêu chỉ tiêu phấn đấu giữ vững tốc độ tăng trưởng kinh tế trên 14%, tổng giá trị sản xuất đạt 54.000 tỷ đồng (tăng khoảng 9.000 tỷ đồng so với năm 2012), huy động vốn đầu tư toàn xã hội 12.500 tỷ đồng (tăng gần 1.000 tỷ đồng so với năm trước) để phát triển KTXH, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân. Hậu Giang với diện mạo mới, đang vượt nghèo khó vươn lên đuổi kịp các tỉnh, thành bạn, xứng đáng với vùng đất giàu truyền thống cách mạng, nhân dân gan góc bám trụ cùng các LLVT đánh thắng mọi kẻ thù và ngày nay chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu, xây dựng quê hương văn minh, phồn vinh, giàu mạnh.

Bài và ảnh: Thành Viên