Trên đường hành quân, đoàn vào thăm nhà tù Sơn La, được tận mắt chứng kiến gông cùm trong nhà tù của thực dân Pháp, các CCB, nhất là các bạn trẻ vô cùng thán phục ý chí kiên cường, bất khuất, sức chịu đựng dẻo dai, bền bỉ của những chiến sĩ cách mạng. Đoàn mang đến Sơn La những phần quà tặng một số gia đình CCB còn nhiều khó khăn. Chia tay Sơn La, đoàn tiếp tục cuộc hành quân với “Tinh thần Điện Biên Phủ”. Vượt quãng đường hơn 500km đến tỉnh Điện Biên trong cái nắng nóng oi bức, các CCB không thấy mệt mỏi, chỉ mong muốn nhanh chóng “đến với các đồng chí của tôi” - lời cụ Phạm Văn Thân, 84 tuổi, chiến sĩ Điện Biên năm xưa.
Sau khi dâng hương, hoa lên đài tưởng niệm các liệt sĩ tại NTLS đồi A1, các thành viên tỏa đi thắp nén hương thơm tới từng ngôi mộ. Nước mắt chảy dài trên nhiều khuôn mặt các CCB và đoàn viên thanh niên khi thấy lớp lớp những ngôi mộ chỉ là những tấm bia trắng, do không xác định được danh tính liệt sĩ... Cầu mong linh hồn các anh, các chị siêu thoát, phù hộ cho Tổ quốc bình yên, phát triển. Cuộc thăm viếng các di tích lịch sử ở Điện Biên đã mang đến nhiều xúc động mạnh cho các thành viên khiến buổi tặng quà, giao lưu với CCB TP Điện Biên lúc hào hùng với các bài hát truyền thống, lúc trầm lắng với các bài thơ vừa sáng tác. Bác CCB Trịnh Thanh Phi, 67 tuổi, suy tư khi viếng liệt sĩ tại Nghĩa trang Đồi A1: “... Tôi lặng lẽ viếng từng hàng mộ/ Mộ có tên, nhiều mộ khuyết tên/ Mong các anh được yên giấc ngủ/ Phù đất nước mình mãi bình yên... Còn chí lực nguyện xin cố gắng/ Góp dựng xây Tổ quốc tiến lên”. Bác Nguyễn Bá Hoan, 73 tuổi, CCB phường Hàng Bài, đọc bài thơ “Tượng đài vĩnh cửu”: “Có tượng đài xây bằng đá quý/ Có tượng đài xây bằng vàng, bạc, kim cương/ Nhưng không tượng đài nào hơn tượng đài chiến sĩ/ Xây bằng máu xương của các liệt sĩ anh hùng...”. Cụ Phạm Văn Lưu, 80 tuổi, CCB phường Hàng Bồ, nguyên chiến sĩ Đại đội 5, Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 57, Sư đoàn 304, lên sân khấu nghẹn ngào: Ngày 5-5-1954 tôi bị thương, không được tiếp tục chiến đấu đến ngày thắng lợi. Hôm nay được về lại đây, rất cảm động vì các đồng chí CCB tỉnh Điện Biên đón tôi như đón người anh em đi xa trở về... Rồi cụ ngâm bài thơ “Về thăm Điện Biên hôm nay”. Bài thơ có đoạn: “Dù cho sông cạn đá mòn/ Tình thương đồng đội vẫn còn nhớ lâu/ Đài tưởng niệm thắp tuần hương/ Năm trăm cây số dặm trường về thăm...”.
Chuyến thăm quan, học tập tại tỉnh Điện Biên thực sự để lại nhiều ấn tượng sâu sắc, âm vang đến mức suốt chặng đường về Hà Nội là suốt chặng đường các CCB đọc thơ và hát các bài hát ca ngợi Đảng, Bác Hồ, ca ngợi quân đội ta, ca ngợi Chiến thắng Điện Biên Phủ… Bạn Nguyễn Dương Phương Anh, đoàn viên Quận đoàn Hoàn Kiếm, bộc bạch: Đọc sách báo cháu biết cuộc chiến đấu ở Điện Biên Phủ là rất gian khổ, ác liệt. Lần này được tận mắt chứng kiến “chiến trường xưa”, cháu thấy thực tế cuộc chiến còn khó khăn, khắc nghiệt gấp nhiểu lần. Qua chuyến đi cháu tự nhủ phải cố gắng học tập nhiều hơn, cống hiến nhiều hơn để phần nào đền đáp công ơn của những người đi trước.
Còn bác Đặng Thị Hồi, 66 tuổi, con gái cụ Đặng Minh Tuân, Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng, Chiến sĩ Điện Biên năm xưa thì tức cảnh, ngâm bài thơ sáng tác ca ngợi Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Bài thơ có đoạn: “Con đường cách mạng chông gai/ Bác là ánh đuốc giữa trời soi chung/ Bác là Tướng của nhân dân/ Pháp thua phải sợ, Mỹ thua phải hàng...”. Cụ Phạm Văn Thân, 84 tuổi, nguyên chiến sĩ trinh sát Sư đoàn 308, chỉ có ước nguyện giản đơn: Tôi mong muốn sức mình dẻo dai để còn được nhiều lần về thăm lại các đồng chí của tôi.
Bài và ảnh: An Ni Thư