“Hát mãi khúc quân hành” (09/08/2012)
Đã từ lâu, Đội văn nghệ truyền thống CCB Sư đoàn 308 với những bài hát, điệu múa truyền thống cách mạng làm say lòng người, được các đơn vị, địa phương dành cho nhiều tình cảm đặc biệt. Chính thức thành lập từ tháng 12-2005, đội hiện nay có 25 thành viên. Họ là những diễn viên văn công và những hạt nhân văn nghệ của các sư đoàn, quân khu, binh chủng. Dù tuổi cao, bận rộn với công việc gia đình nhưng các thành viên vẫn tụ họp với nhau vào sáng thứ năm, chủ nhật hàng tuần để cùng say sưa luyện tập. Với tình yêu nghệ thuật, các thành viên trong đội được sự cố vấn của nhạc sĩ Phan Hồng Hà, đội tự dàn dựng chương trình biểu diễn phục vụ cho các đơn vị, cơ quan trong dịp lễ tết, ngày kỷ niệm. Nhạc sĩ Hồng Hà chia sẻ: “Hành trang của đội là lòng nhiệt huyết, là những lời ca điệu múa ca ngợi Bác Hồ, Đảng, quân đội. Chúng tôi muốn đem tinh thần của mình tiếp lửa truyền thống cho thế hệ hôm nay”. Những bản nhạc thân thương và gắn bó do chính nhạc sĩ Hồng Hà sáng tác và đệm đàn cho mọi người luôn rộn ràng và chan chứa nghĩa tình đồng đội.
Cô Mê Linh, người có giọng ca mượt mà sâu thẳm, chú Huy Văn giọng ca cũng vút cao không kém, bác Ngọc Tước dáng vẻ hiền lành với giọng ca trong sáng... và những đôi tay mềm theo những lời ca, điệu nhạc của các cô Tuyết Mai, Mỹ Hạnh, Thu Thủy… như tái hiện lại những mặt trận ác liệt. Các cô chú luôn “vững tay đàn, vượt qua mưa bom, hát trong lửa đạn” để cổ vũ, tạo niềm tin, tinh thần lạc quan và sức mạnh cho đồng bào, chiến sĩ cách mạng. Còn giờ đây, tiếng hát cất lên át những nỗi ưu phiền của cuộc sống đời thường, xây dựng cuộc sống tươi đẹp, và cũng là cách để họ tưởng nhớ đồng chí, đồng đội đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Đội trưởng Thiên Nga tâm sự: “Những lời ca tiếng hát của chúng tôi đều cất lên từ trong sâu thẳm trái tim. Được đứng trên sân khấu, được đem lời ca tiếng hát của mình đến với mọi người là nguyện vọng của những người CCB chúng tôi. Chúng tôi sẽ luôn nỗ lực hết mình để mãi cất cao tiếng hát”.
Khó khăn lớn nhất của đội là kinh phí hoạt động không có, các thành viên tự quyên góp mua trang phục diễn và các chi phí hoạt động khác. Sân tập chủ yếu là nhà của thành viên, những khi chạy chương trình cho biểu diễn thì mượn nhà văn hóa của phường. Vượt lên mọi khó khăn, thiếu thốn là lòng đam mê nghệ thuật, là ước mong được cống hiến, được truyền thụ tình yêu quê hương, đất nước qua những ca khúc bất hủ đến với mọi người, nhất là đối với thế hệ trẻ. Nhìn các cô, các chú hăng say khi tập luyện, biểu diễn với những giọng ca ngọt ngào, không ai nghĩ họ đều đã ở tuổi ông, tuổi bà. Gác lại mọi lo toan cuộc sống thường ngày, mỗi khi có chương trình biểu diễn là các CCB lại sẵn sàng lên đường như những người lính năm xưa. Những chuyến rong ruổi vào Quảng Trị hay trên mọi nẻo đường đất nước, nhất là được biểu diễn phục vụ thương binh, gia đình chính sách càng làm tăng thêm niềm nhiệt huyết của họ. Và những ca khúc “Bác đang cùng chúng cháu hành quân”, “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây”, “Đồng đội”… vẫn ngày ngày vang lên, say sưa, nhiệt huyết như năm xưa họ từng biểu diễn trên mỗi chiến hào.
Hơn 7 năm hoạt động, uy tín của Đội văn nghệ CCB Sư đoàn 308 được nâng cao; các đơn vị thường xuyên mời biểu diễn. Đội đã từng biểu diễn tại Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, ở Đà Nẵng, Huế và gần nhất là biểu diễn tại lễ kỷ niệm 40 chiến thắng Thành cổ Quảng Trị (ảnh).
Những ngày này, các thành viên đội văn nghệ vẫn không ngừng tập luyện để ngày càng có thêm nhiều tiết mục hay phục vụ nhân dân. Những tiết mục đã dàn dựng, những ý tưởng đang hình thành đều vì nguyện vọng được biểu diễn nhiều hơn, được đem lại màu xanh trong tiếng hát, viết mãi khúc quân hành của người lính Sư đoàn Quân tiên phong.
Bài và ảnh: Ánh Tuyết