Theo truyền thống, ngày bắt đầu của hội hát đúm đồng thời cũng là ngày những cô gái của Tổng Phục bỏ chiếc khăn mỏ quạ bịt mặt trong suốt cả năm. Vì thế, hội hát đúm cũng còn là ngày hội mở mặt. Trong những ngày này, các chàng trai, cô gái Tổng Phục (trước đây, ba xã Phục Lễ, Phả Lễ và Lập Lễ thuộc Tổng Phục) thường tập trung để hát đúm tại đình Phục Lễ, một trong những ngôi đình lớn của huyện Thủy Nguyên, T.P Hải Phòng.
Hát đúm cũng có thể diễn ra ở trên đường đi, ngoài cánh đồng khi các tốp trai thanh, gái lịch trong những bộ quần áo truyền thống ngày hội gặp nhau. Họ nắm tay nhau say sưa hát đối những làn điệu giao duyên thể hiện khát vọng về tình yêu đôi lứa thông qua nhiều câu hát ví von mang đậm chất dân gian của vùng quê.
Trong ngày hội “Hát đúm”, tại sân chùa Phục Lễ, nhiều bàn hát đúm mọc lên, mỗi bàn kê hai bộ tràng kỷ đối diện nhau. Giữa bàn để nhiều hộp trầu và khăn tay thêu cành hồng (tặng phẩm). Một bên trai, một bên gái ngồi hai bên dãy tràng kỷ. Mặt nhìn mặt, tay cầm tay. Thường thì cả hai bên trai, gái vào hát đều di động để nếu nhỡ một anh hát “bí” hay bị hỏi, đố, lúng túng không trả lời được thì ra hiệu cho anh kia hát đỡ, gỡ bí cho.
Hát đúm kéo dài từ sáng tới trưa, từ trưa tới tối. Giữa các canh hát, các cô mời trầu nước, tặng vật kỷ niệm cho các chàng trai để tỏ lòng mến mộ. Chiều, các cô mời các chàng về nhà mình ăn bữa “cơm muối” để biết nhà cửa và có sức tiếp tục hát tới khuya. Cứ như vậy, ngày này qua ngày khác, cuộc hát đúm kéo dài có khi đến cả dăm hôm. Qua những buổi hát, nhiều đôi đã kết nhau để nên duyên chồng vợ.
Hát đúm cũng như một số hình thái sinh hoạt văn hóa dân gian khác đã phải trải qua những bước thăng trầm. Vậy mà, sức sống lâu bền, mãnh liệt của nó vẫn còn đến ngày hôm nay.