Hành trình xuyên Việt của "Sâu nặng ân tình"
** * Điện Bàn - Đất Lửa.**
Trong hành trình xuyên Việt lần này, điểm đầu tiên Đoàn dừng chân là Thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Trên mảnh đất Quảng Nam "Trung dũng kiên cường, đi đầu diệt Mỹ", Thị xã Điện Bàn là chiến trường ác liệt nhất. Cũng vì vậy mà sự hy sinh của những người dân Điện Bàn cũng vô cùng lớn lao. Đã có 18.773 người con của Điện Bàn hy sinh trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Toàn huyện có trên 2.900 Mẹ Việt Nam Anh hùng. Trong đó, mẹ Thứ (Điện Thọ) có chồng, 9 con, 1 rể, 2 cháu ngoại là liệt sĩ; mẹ Lê Thị Tự (Điện Thắng) có 9 con là liệt sĩ; có ba chị em ruột là Nguyễn Thị Thảo, Nguyễn Thị Trọng (Thìn), Nguyễn Thị Chức ở Điện Thọ đều là Mẹ Việt Nam anh hùng...
Gần trưa ngày 10 - 4, Lễ dâng hương được tổ chức trang nghiêm tại nghĩa trang Thị xã Điện Bàn - nơi yên nghỉ của gần 6.000 liệt sĩ. Trong cái nắng như đổ lửa đầu hè lời Lời Điều do Đại tá Nguyễn Văn Thuận - Chánh văn phòng Hôi HTGĐLSVN tuyên đọc trầm hùng, làm xúc động lòng người. Và làn khói hương quấn quýt Đài tưởng niệm rồi tỏa lên trời xanh bất tận, như mang theo nỗi lòng nhưng người đang sống! Sau nghi lễ dâng hương, Đoàn vào thăm và tặng quà Mẹ VNAH Đinh Thị Sửu tại nhà số 111 đường Mẹ Thứ. Mẹ Sửu năm nay 88 tuổi, nhưng vẫn chuyện trò với các thành viên của Đoàn rành mạch: thời Mỹ - ngụy, mẹ từng hoạt động cách mạng nên bị địch bắt bỏ tù 4 năm liền (1969-1973). Mặc dù kẻ thù dùng mọi thủ đoạn đánh đập, khảo tra nhưng mẹ luôn giữ vững khí tiết của người Cộng sản, xứng đáng với vong linh người con gái duy nhất của mẹ là du kích Nguyễn Thị Lữ, chiến đấu và hy sinh năm 1963.
Rời nhà mẹ Sửu, Đoàn tới thăm Mẹ VNAH Phan Thị Hưu năm nay cũng đã vào tuổi 88. Mẹ Hưu có chồng và ba con trai là liệt sĩ. Mẹ Hưu là một trong số ít đối tượng chính sách được Tổng Bí thư Đỗ Mười tặng Nhà tình nghĩa Năm 1996. Hình ảnh mẹ Hưu mặc dù không được khỏe, nhưng nhờ người dìu đứng dậy chỉ tấm biển Nhà tình nghĩa do Tổng Bí thư Đảng tặng, gây ấn tượng mạnh đối với các thành viên của Đoàn.
Trở về Hội trường UBND Thị xã, Đoàn gặp gỡ, tặng quà cho 58 gia đình liệt sĩ, Mẹ Việt Nam anh hùng. Tham gia chương trình có đồng chí Lê Sáu - Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Quảng Nam, đông đủ các đồng chí lãnh đạo Thị xã Điện Bàn. Cùng đồng hành với Ban Tổ chức Chương trình "Sâu nặng ân tình", Công ty 96 thuộc Tổng công ty Thành An - Binh đoàn 11 cũng dành tặng 20 triệu đồng cho 10 gia đình chính sách ở Điện Bàn.
Từ thuở còn là học sinh cấp II, tôi đã được học về những gương anh hùng trên quê hương Điện Ngọc, Điện Thắng...; giờ đây đến với Điện Bàn, mới thấy sự cống hiến, hy sinh của những người dân trên những mảnh đất Anh hùng là vô bờ bến.
** * Củ Chi đất Thép.**
Đúng là "thần tốc", mới ngày 10-3, chúng tôi còn ở Điện Bàn, thì ngày 12, từ sáng sớm đã có mặt tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Củ Chi ở xã An Nhơn Tây. Củ Chi nổi danh không chỉ trong nước mà cả quốc tế bởi hệ thống địa đạo - chứng tích của một thời quân và dân nơi đây kiên cường bám trụ sát nách cơ quan đầu não của Mỹ - ngụy, để đánh địch. Ấn tượng sâu đậm trong tôi là những gì thâu lượm được ở Nghĩa trang liệt sĩ của huyện. Tôi đã tới dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ ở nhiều nghĩa trang, cả Nghĩa trang quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang quốc gia Đường 9...; mỗi nghĩa trang có nét linh thiêng, nhưng chưa thấy nghĩa trang nào đẹp như Nghĩa trang huyện Củ chi ở An Nhơn Tây. Đẹp từ sự tĩnh lặng của cỏ cây, kiến trúc đài tưởng niệm đến thiết kế từng phần mộ. Điều đặc biệt với tôi là trong số 8.098 phần mộ anh hùng liệt sĩ, tôi đã được dâng nén hương lòng trước phân mộ của AHLLVT Phạm Văn Cội - người Anh hùng mà tôi được gặp trên trang sách học trò, để rồi vô cùng ngưỡng mộ ông. Tôi cũng đã cúi đầu dâng hương trước phần mộ AHLLVT, Mẹ VNAH Nguyễn Thị Rành. Bản thân là Anh hùng, mẹ Rành còn có 8 người con là liệt sĩ. Cũng như đi trên con đường mang tên Mẹ Thứ ở thị xã Điện Bàn, khi đến Củ Chi, con đường mang tên Nguyễn Thị Rành cũng đưa chúng tôi về trung tâm của huyện... Đất nước, quê hương muôn đời khắc nghi tên tuổi của những người con Anh hùng! Sau lễ dâng hương ở Nghĩa trang, chúng tôi tản ra, đến từng phần mộ, thắp hương và bắt gặp Mẹ VNAH Bùi Thị Nguyên đến dâng hương cho người thân của mình là bà nội và mẹ đẻ đều là Mẹ VNAH (nghĩa trang có trên 60 phần mộ Mẹ VNAH). Một tình tiết ngẫu nhiên làm tăng thêm ý nghĩa của "Sâu nặng ân tình".
Rời nghĩa trang, Đoàn lần lượt tới thăm và tặng quà 2 Mẹ VNAH ở xã An Nhơn Tây. Mẹ Nguyễn Thị Phái, 104 tuổi, có hai con trai là Lê Văn Rót và Lê Văn Bích là liệt sĩ. Hiện mẹ Phái sống với cháu ngoại trong ngôi nhà tình nghĩa do Tập đoàn viễn thông Quân đội tặng. Mẹ Nguyễn Thị Phơi ở ấp Xóm Trại, 88 tuổi, có chồng là Nguyễn Văn Thao và hai con là Nguyễn Văn Hồng, Nguyễn Văn Điệu là liệt sĩ. Thấy đoàn đền thăm, mẹ Phơi vô cùng phấn chấn; chuyện trò, đọc kinh Phật luôn miệng và luôn nhắc là mẹ sống ít nhất tới năm 96 tuổi...
Tại Hội trường Ủy ban xã An Nhơn Tây, Trung tướng Lê Văn Hân và bà Hương Giang - đại diện Tập đoàn Thái Bình Dương đã trao 100 triệu đồng và phần quà kèm theo cho 50 gia đình liệt sĩ. Dự gặp gỡ trao quà có đại diện Sở KĐTBXH Thành phố Hồ Chí Minh và lãnh đạo huyện Củ Chi.
** Châu Thành nghèo của, giàu tình.*
Chặng dừng chân cuối cùng của Đoàn là huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh. Châu Thành đúng nghĩa là vùng đất biên viễn, bởi có 42km đường biên chung với Cam-pu-chia. Không chỉ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, mà chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và 9 năm làm nghĩa vụ quốc tế ở Cam-pu-chia sự hy sinh của người dân Châu Thành là rất lớn; hàng chục nghìn người con ưu tú của Châu Thành, Tây Ninh đã ngã xuống. Mặc dù là một huyện thuần nông, lại chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, kinh tế gặp nhiều khó khăn, nhưng cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị - xa hội ở Châu Thành rật quan tâm đến công tác chính sách, các hoạt động uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa. Vì vậy, khi chương trình "Sâu nặng ân tình" đến với Châu Thành đã được các cấp, các nghành địa phương quan tâm. Các hoạt động của Đoàn được sự phối hợp hỗ trợ của địa phương, tiến hành nhanh gọn, hiệu quả. Đoàn tổ chức dâng hương tại Nghĩa trang liệt sĩ của huyện; thăm và tặng quà hai Mẹ VNAH: Võ Thị Rết (84 tuổi), Lê Thị Sum (88 tuổi). Tại hội trường Ủy ban huyện, Trung tướng Lê Văn Hân, Đại tá Nguyễn Duy Tường - Tổng biên tập Báo CCB Việt Nam đã trao 100 triệu đồng và quà cho 50 đại diện gia đình liệt sĩ. Đồng chí Nguyễn Trí Cường - Phó chủ tịch UBND huyện Châu Thành thay mặt cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương bày tỏ sự trân trọng tình cảm mà Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam, Tập đoàn Thái Bình Dương, và Báo CCB Việt Nam đã dành cho Châu Thành, đặc biệt là các gia đình có công với cách mạng.
Hành trình xuyên Việt đã két thúc. Giá trị vật chất mà Chương trình "Sâu nặng ân tình" dành cho các Mẹ VNAH, các gia đình liệt si, thương binh tuy nhỏ nhoi, nhưng giá trị nhân văn là không đo đếm được. Điều day dứt đọng lại với các thành viên của Đoàn là sự hy sinh vì đất nước hòa bình, thống nhất, thịnh vượng của các thế hệ cha anh là vô bờ bến. Vì vậy các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn dù thế nào cũng chỉ là nhỏ nhoi, là chưa đủ.
Hành trình xuyên Việt của Đoàn thành công. Hành trang trở về của mỗi một thành viên của đoàn còn lưu giữ tình cảm, sự giúp đỡ tận tình của các địa phương, đặc biệt là Nhà khách Tổng cục Hậu cần - BQP tại T.P Hồ chí Minh, Lữ đoàn vận tải 683 TCHC, Công ty Thành An 96.
Duy Nguyễn