Hành trình đi tìm lại Trận địa pháo bắc Ka Tang
Lễ cầu siêu các liệt sĩ tại Nhà bia tưởng niệm, nhân dịp Lễ tưởng niệm 55 năm ngày hy sinh của các liệt sĩ (9-1-2023).
Tháng 8-2015 là kỷ niệm 50 năm ngày nhập ngũ của một số CCB thuộc Đại đội 10 và cũng là sau 47 năm ngày hy sinh của đồng đội trong đại đội. Nhân dịp này, theo nguyện vọng của nhiều anh em trong đơn vị, CCB Nguyễn Thế Chương sinh năm 1945 (quê xã Nội Duệ, Tiên Du, Bắc Ninh) - nguyên Đại đội trưởng Đại đội 10, pháo cao xạ 37 ly (Tiểu đoàn 11, Trung đoàn 280, thuộc Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân) đã tổ chức cho anh em trong đơn vị cũ trở về thăm lại chiến trường xưa - nơi những đồng đội đã hy sinh anh dũng để bảo vệ trọng điểm cầu Ka Tang ở xã Lâm Hóa (Tuyên Hóa, Quảng Bình) trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Mặc dù tuổi cao, sức đã yếu, nhiều đồng chí còn mang thương tật, hay bị nhiễm chất độc hóa học, kinh tế có người còn khó khăn, nhưng ai cũng quyết tâm trở lại Ka Tang tìm lại nơi các trận địa pháo ngày xưa làm nhiệm vụ bảo vệ cầu Ka Tang trên tuyến đường 15, để thắp hương cho các đồng đội. Đặc biệt, tại trận địa bắc Ka Tang có 9 đồng chí hy sinh ngày 9-1-1968, thì 7 đồng chí ở Khẩu đội 4 do Nhữ Văn Hiến làm Khẩu đội trưởng, bị máy bay Mỹ ném bom trúng ngay vào khẩu đội làm 7 người hy sinh và bay biến mất. Riêng khẩu pháo 37 ly nặng 2,1 tấn bị phá hủy, chỉ còn lại gường pháo và 3 bánh pháo bị lật úp bật ra khỏi hầm pháo khoảng 15m. Nơi đặt pháo chỉ còn là một hố bom sâu hoắm. Các chiến sĩ hy sinh tuổi đời mới trên dưới 20, quê ở Hà Nội, Hải Phòng, Hải Hưng, Vĩnh Phú, Hà Tĩnh, Nghệ An. Trong chuyến đi trở lại thăm trận địa pháo năm xưa, đoàn được các đồng chí lãnh đạo xã Lâm Hóa tiếp đón ân cần, chu đáo.
CCB Nguyễn Thế Chương nhớ lại, thời kỳ đó khu vực trọng điểm cầu Ka Tang bị địch đánh phá khốc liệt cả ngày, cả đêm, hố bom chồng hố bom, cây cối trên đồi tan tành, đơn vị phải đi chặt cây nơi khác về ngụy trang công sự. Lúc này do chiến tranh quá ác liệt, dân lại ở xa trận địa nên khi hậu quả xảy ra, mọi thương vong đều do các đơn vị TNXP giải quyết. Vì thế, chính quyền xã cũng không biết việc này. Sau khi trở lại thăm trận địa xưa, tâm nguyện của các CCB mong chính quyền tỉnh, huyện quan tâm xem xét công nhận nơi đây là Di tích lịch sử và xây dựng Nhà bia tưởng niệm để mọi người có điều kiện đến thăm viếng, tri ân, tưởng nhớ các liệt sĩ.
Sau khi có được thông tin của đơn vị cho biết và danh sách các liệt sĩ được Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị xác nhận, lãnh đạo xã Lâm Hóa đã làm văn bản báo cáo huyện. Biết được sự việc, đồng chí Bí thư Huyện ủy và Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) chỉ đạo các cơ quan liên quan cấp huyện làm ngay các thủ tục cần thiết, đề nghị tỉnh Quảng Bình công nhận Trận địa pháo bắc Ka Tang là di tích lịch sử. Kết quả, ngày 2-2-2018, UBND tỉnh Quảng Bình ban hành Quyết định số 409/QĐ-UBND công nhận Trận địa pháo bắc Ka Tang là Di tích lịch sử cấp tỉnh.
Ngày 27-4-2018, tại buổi lễ đón nhận Bằng di tích lịch sử cho Trận địa pháo bắc Ka Tang ở xã Lâm Hóa, do huyện Tuyên Hóa tổ chức, CCB Nguyễn Thế Chương xúc động phát biểu: “...Sau nửa thế kỷ trôi qua, Di tích lịch sử Trận đia pháo bắc Ka Tang được xác lập đã giải tỏa được sự trăn trở bấy lâu nay của các CCB Đại đội 10. Nơi đây bây giờ đã trở thành “địa chỉ đỏ” để mọi người, đồng đội và những người thân của các liệt sĩ về thắp hương tri ân và tưởng niệm. Hy vọng Nhà nước sẽ sớm xây dựng Nhà bia tưởng niệm để nơi đây không còn hiu quạnh, linh hồn các liệt sĩ được sưởi ấm trong tình cảm thiêng liêng của những người đang sống và các thế hệ mai sau...”.
Năm 2019, với sự quan tâm của tỉnh Quảng Bình, Nhà bia tưởng niệm trên đồi cao được xây dựng với kinh phí 500 triệu đồng. Năm 2021, tuyến đường từ Đường Hồ Chí Minh lên di tích gần 1km và hàng rào bao quanh di tích được tỉnh xây dựng với kinh phí trên 5 tỷ đồng. Bây giờ, nơi đây đã trở thành Di tích lịch sử khang trang, đẹp đẽ để mọi người tới thăm viếng, tri ân các liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập - tự do cho Tổ quốc.
Hồ Duy Thiện