Hành trình của hai tấm Huân chương

Sau ngày chiến thắng 30-4-1975, trong một lần đi họp trên Bộ Tư lệnh Sư đoàn 2 Đặc công miền Đông Nam Bộ, đồng chí Nguyễn Ngọc Thành, khi đó là Chủ nhiệm Chính trị của Đoàn 116 Đặc công được đồng chỉ Nguyễn Tập, khi đó là Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn 2 trao cho hai giấy chứng nhận tặng Huân chương Chiến công của liệt sĩ Bùi Văn Truy, cấp bậc CBP (đại đội bậc phó), chức vụ Đại đội trưởng, thuộc Tiểu đoàn 40, Đoàn 116 Đặc công. Hai giấy chứng nhận tặng Huân chương Chiến công đều được đánh máy bằng giấy pô-luya do đồng chí Trần Nam Trung-Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ký. Giấy chứng nhận thứ nhất ghi: Quyết định tặng thưởng Huân chương Chiến công Giải phóng hạng ba cho Bùi Văn Truy, về thành tích chỉ huy chiến đấu đặc biệt xuất sắc; tiêu diệt nhà hàng Long Hưng ngày 17-9-1974. Quyết định ký ngày 26-11-1974. Giấy chứng nhận thứ hai ghi: Quyết định tặng Huân chương Chiến công Giải phóng hạng ba cho: Bùi Văn Truy, về thành tích chiến đấu đặc biệt xuất sắc tiêu diệt Trường huấn luyện Thiết giáp của quân ngụy Sài Gòn ngày 7-4-1975. Quyết định được ký ngày 30-8-1975. Điều đặc biệt là cả hai giấy chứng nhận tặng Huân chương Chiến công của Bùi Văn Truy đều không ghi quê quán ở đâu.
Trở về đơn vị, rất ngẫu nhiên, Nguyễn Ngọc Thành được điều động ra Bắc và cấp trên đưa đi đào tạo tại một trường quân sự tại Liên Xô. Sau thời gian học tập, anh về nước và được phân công chỉ huy một đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh Đặc công. Quá trình học tập và công tác cũng là hành trình của hai giấy chứng nhận tặng thưởng Huân chương của đồng đội luôn đi theo anh. Công việc cuốn hút nên anh cũng không còn thời gian để đi tìm thân nhân đồng đội để trao lại hai kỷ vật này. Vả lại, khi đó anh muốn tìm thân nhân của Truy để bàn giao cho gia đình hai kỷ vật mà anh đã giữ nhiều năm nay cũng khó. Bởi lẽ, những đồng đội biết về Truy đã mỗi người một ngả, còn anh cũng không nắm chắc về Truy. Truy về chiến đấu tại Tiểu đoàn 40 cũng là lúc anh được cấp trên điều động đi nhận nhiệm vụ mới. Thời gian đã dần bào mòn trí nhớ của anh về người đồng đội. Duy chỉ còn hai kỷ vật của động đội là lúc nào anh cũng lưu giữ trong bộ hồ sơ “bất ly thân” của mình.
Sau gần 40 năm tham gia chiến đấu và công tác, tháng 12 nâm 1989, Nguyễn ngọc Thành được Quân đội cho nghỉ hưu với quân hàm Đại tá. Anh trở về đời thường với nghề thợ may vốn được đào tạo để hoạt động tình báo. Đây cũng là thời gian anh nhớ về những đồng đội đã nhiều năm chiến đấu bên anh của Đoàn Đặc công-Biệt động 367 anh hùng. Và, anh là một trong những người đầu tiên thành lập Ban Liên lạc của Đoàn Đặc công, Biệt động 367 tại các tỉnh phía Bắc. Ban Liên lạc là cầu nối để quy tụ các CCB của Đoàn 367. Những cuộc gặp mặt đầy xúc động của các CCB được tổ chức định kỳ. Những kỷ vật của Truy được anh đề cập đến. Song, cũng giống anh, thời giạn cũng đã bào mòn trí nhớ của họ. Nhiều người cũng chỉ còn nhớ trường hợp hy sinh của Truy mà thôi. Và tôi, tuy cũng biết Truy, song cũng chỉ nhớ mang máng được quê Truy ở Vĩnh Phú. Tâm nguyện của Đại tá Nguyễn Ngọc Thành muốn tìm được và trao kỷ vật cho gia đình Truy mà anh đã giữ 40 năm. Song, chẳng may đầu năm 2015 anh lâm trọng bệnh. Căn bệnh ung thư đã đưa anh về cõi vĩnh hằng vào ngày 21-3-2015. Trước đó, sáng 27 tết Ất Mùi (2015), anh bảo vợ anh-chị Quỳnh cho gọi tôi vào bệnh viện TƯ Quân đội 108 để anh gặp. Tôi cũng không ngờ rằng anh đã tin tưởng tôi và trao cho một việc không ngờ tới: Đó là viết điếu văn cho anh khi anh nằm xuống và cố gắng tìm thân nhân Truy để trao hai kỷ vật cho gia đình. Cả anh và tôi đều chảy nước mắt. Và, tôi đã hứa với anh là sẽ hoàn thành nhiệm vụ anh giao. Với tôi, lúc nào anh cũng là thủ trưởng như khi ở chiến trường. Tôi cùng Ban Liên lạc, Bộ Tư lệnh Đặc công và gia đình tổ chức chu đáo việc tiễn đưa anh về nơi an nghỉ cuối cùng.
Sau khi lo xong việc cho anh, chị Quỳnh gọi tôi đến nhà để bàn giao những tài liệu của Ban Liên lạc mà anh đang giữ, trong đó có hai giấy chứng nhận tặng Huân chương của Truy. Trời ơi! Hai giấy chứng nhận bằng giấy đánh máy quá mỏng, màu chữ đã ngả màu, chỉ cần không khí ẩm thôi là giấy sẽ bị mục nát. Thế mà anh vẫn giữ được nguyên vẹn hai tấm giấy này trên 40 năm nay. Để bảo vệ nguyên trạng cho hai tấm giấy này tôi đã phải dùng ni lông cứng ép kỹ. Sau nhiều lần nhờ đồng đội cũ tìm địa chỉ của Truy không được; vào một buổi sáng, tôi cho các thông tin về Truy và nhờ Cục Chính sách Bộ Quốc phòng tìm giúp. Thật may, các đồng chí trong Cục Chính sách đã cho biết ngày hy sinh, trường hợp hy sinh của Truy, đơn vị khi hy sinh trùng với thông tin mà tôi đã cung cấp cho họ. Đặc biệt, họ cho tôi biết quê quán của Truy: Đó là thôn Len, xã Hải Lựu, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc. Tôi thật sự vui mừng và cảm ơn các đồng chí ở Cục Chính sách vì đã giúp tôi hoàn thành nghĩa vụ và trách nhiệm của mình đối với đồng đội.
Ngày 3-9-2015, tôi cùng một số đồng đội bàn giao hai kỷ vật của Truy cho thân nhân Truy tại gia đình tôi. Anh Bùi Văn Sinh, người cháu ruột của Truy và là người chịu trách nhiệm thờ cúng liệt sĩ nhận hai kỷ vật đã rất xúc động. Tiếc rằng bố mẹ Truy không còn nữa. Về phần mình, tôi cũng hoàn thành trách nhiệm đối với đồng đội, hoàn thành nhiệm vụ với anh Thành mà khi còn sống anh đã giao cho tôi.
Hà Nội, 12-2-2016
Phạm Đức Thăng