Hàng xóm (18/03/2010)

Bốn nhà Trương, Vương, Lý, Triệu đều là bốn nhà hết sức phổ thông, hết sức bình thường, không có gì đặc biệt, đều là láng giềng tốt. Khu tập thề nhỏ đó thật bình lặng. Đột nhiên gần đây có chuyện...

Mấy con người trong cái khu tập thể nhỏ bé này, dù nửa đêm có nằm mơ cũng mơ không thấy cái chuyện giữa đám người hết sức phổ thông, hết sức bình thường như họ lại nẩy nòi một anh chàng làm họ ngứa mắt, dám làm cái việc kinh thiên động địa viết ra hẳn một tập kịch bản điện ảnh. Cái khu tập thể nhỏ bé kinh động như là bị nổ bom: Anh ta viết kịch bản điện ảnh! Trời ơi là trời, chị thử nghĩ xem, người viết kịch bản điện ảnh ít nhất cũng phải ở thành phố lớn, ở nhà cao cửa rộng, ít nhất cũng phải có cái gì đó khác với mọi người... Đằng này lại là cái anh chàng họ Triệu, ở trong cái khu tập thể nhỏ bé, ở cái thị trấn nhỏ bé này! Anh họ Triệu làm nghề chiếu bóng. Anh ta chẳng qua chỉ là một nhân viên chiếu bóng. Cao không đến một mét sáu mươi. Người trong khu tập thể chưa bao giờ thấy anh ta đi giày da, càng không thấy anh ta mang kính. Cả ngày không nói được một câu ra hồn, đi đứng chẳng có tư thế. Thế mà anh ta viết kịch bản điện ảnh! Có thật là anh ta không? Vâng, đúng là anh ta. Chị không tin cũng không được. Xưởng phim đã có thư cho anh ta. Mấy ngày nay tên anh ta được nhắc đến khắp thị trấn. Cái hôm anh ta nhận được thư, chính mắt vợ nhà Vương nhìn thấy những chữ đỏ trên bì thư. Mọi người trong khu tập thể kinh ngạc và bàn tán không ngừng. Thử nghĩ xem, bọn họ hàng ngày cùng ở một khu nhà, cùng ăn cơm như nhau, cùng nòi giống nhau, cùng đi làm, cùng ra cổng, vào cổng... vậy mà anh ta lặng lẽ đột ngột tách ra... Hơn nữa còn nghe nói, viết một tập kịch bản có thể được mấy vạn đồng. Mọi người đều lè lưỡi, không biết sao, trong ngực còn có cái gì đó tấm tức như có con sâu con bọ chui vào! Đặc biệt là đám đàn bà, các mụ vợ của các ông Trương, Vương, Lý. Các mụ sau hồi kinh ngạc, liền nghĩ đến mình, không nhịn được cùng buồn rầu nói: Con mụ vợ lão Triệu sao tốt số thế, coi như kiếm được chồng đáng tấm chồng! Hãy còn một câu thật khó thốt ra miệng, ấy là tự tiếc cho mình, sao không kiếm được người chồng như tay Triệu. Hãy coi vợ tay Triệu, chân tay lóng ngóng, mặt mới tối làm sao, lại văn hóa thấp, mùa hè thì bán kem, mùa đông bán ngô nướng... Mụ ấy mà xứng với lão ấy à? Mà nói đi cũng phải nói lại. Cái tay họ Triệu này thật là hồ đồ, đi viết kịch bản điện ảnh làm gì? Chiếu phim mới chính là việc của anh ta. Anh ta lao đi làm cái việc trái nghề trái nghiệp mới khiến người ta không chấp nhận. Lãnh đạo đơn vị làm gì mà không quản lý anh ta?... Vả chăng, anh ta viết một tập kịch bản phim thì có gì là ghê gớm, chả phải là phim sao! Được rồi, khi nào rạp chiếu bóng chiếu cái phim ấy, chúng ta đừng ai đi coi...

Càng bàn tán ba bà vợ càng tức khí, càng tâm đầu ý hợp, xem ra chưa bao giờ như thế. Cái cặp nhà Triệu, chồng cũng như vợ sao khó coi thế. Sao chúng mình lại có thể cùng sống với loại người ấy trong một khu tập thể nhỉ? Thật tức muốn chết...

Thế là từ đó gia đình nhà Triệu sống trong khu tập thể như sống trên đảo hoang. Hai vợ chồng nghĩ nát nước cũng không hiểu nổi vì sao bị láng giềng ghét bỏ. Vợ chồng nhà Triệu lủi thủi sống như thế hơn một tháng, cũng có thể là ba, bốn tháng. Đột nhiên một hôm, nhân viên bưu điện đứng ở cổng réo to tên nhà Triệu, một tay giơ cao gói bưu phẩm lớn. Đó là một phong thư to hiếm thấy, ngay lập tức thu hút con mắt của mọi người trong khu tập thể (nói chính xác ra thì đó là con mắt của ba bà vợ). Lúc đó nhà Triệu không có ai. Ba bà vợ đều thò cổ ra nhìn, không hẹn mà cùng nhau bước ra phía cổng. Bì thư lớn tất nhiên lọt vào tay ba bà.

Ái dà! Xưởng phim đây. Ba người phụ nữ giật thót mình. Trời ơi, to dày thế này, chắc là mấy chục vạn đồng gửi cho tay Triệu đây?

Ba cặp mắt nhìn chăm chắm vào chiếc phong bì lớn, hồi hộp đến nghẹt thở. Bỗng có một phát hiện lớn: Lạ quá, sao miệng bì thư lại không dán kín, chỉ đóng có hai chiếc đinh ghim. Đưa cho lão ta xem xem. Vợ Trương hấp tấp nói. Khoan đã, để tôi đóng cổng cái đã! Vợ Vương quả là người có mưu. Vợ Lý cắn chặt môi vì lo lắng.

Ba người cẩn thận mở chiếc bì thư. Ối trời ơi là trời, cứ ngỡ là tiền hay là cái thứ gì gì đó, hóa ra là “Bản thảo trả lại!!!”. A ha, trả lại rồi, làm mãi, thế là coi như thất bại. Thật là trò cười! Bộ anh ta không thất bại mà thành công được sao? Tôi đã biết từ lâu, anh ta không làm được mà. Gà mà đòi bay như chim. Ba người đàn bà cùng hoa tay múa chân cười lớn. Mấy tháng nay, nơm nớp lo, mặt buồn rười rượi, giờ cười cho suớng.

Kể cũng lạ, từ ngày đó trở đi, nom vợ chồng nhà Triệu ai cũng thấy thuận mắt cả, chả có chỗ nào dị dạng. Và chả lâu la gì, khu tập thể có bốn hộ lại sống với nhau thân thiện như trước, ngày tháng lại bình lặng trôi đi...

Hà Phạm Phú dịch

Truyện ngắn của Nhược Minh (Trung Quốc)