Hàng nghìn ngôi nhà tan hoang sau bão (01/10/2013)
Theo báo cáo sơ bộ từ các địa phương, bão số 10 đã làm 2 người chết, 26 người bị thương, hơn 5.400 ngôi nhà bị tốc mái, nhiều cây cối, cột điện đổ, gẫy. Cột phát sóng cao hơn 100 mét của Đài Tiếng nói Việt Nam tại thành phố Đồng Hới, Quảng Bình cũng bị quật đổ.
Đến 19h ngày 30/9, lượng mưa đo được tại Quảng Bình phổ biến ở mức 100-200 mm, có nơi lớn hơn như Mai Hóa 222 mm, Ba Đồn 249 mm, Đồng Hới 328 mm. Lũtrên các sông ở Quảng Bình đang lên. Dự báo,sáng mai lũ trên các sông ở tỉnh này có khả năng đạt đỉnh và ở trên mức báo động 2.
Sau khi đổ bộ vào các tỉnh miền Trung, 19h ngày 30/9, tâm bão Wutip ở trên khu vực biên giới các tỉnh Hà Tĩnh - Quảng Bình và nước Lào, sức gió mạnh nhất 102 km một giờ (cấp 10). Vượt qua biên giới Việt - Lào, bão suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó di chuyển về phía Tây và suy yếu thành một vùng áp thấp, sức gió mạnh nhất ở gần tâm áp thấp giảm xuống dưới 39 km một giờ (cấp 6).
Cơn bão được cho là mạnh nhất trong vòng 7 năm qua tràn vào các tỉnh từ Hà Tĩnh tới Huế từ chiều 30/9. Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì cuộc họp với đại diện các ban ngành nhằm đánh giá tác động của cơn bão và bàn biện pháp khắc phục ngay tại Đồng Hới.
Tại Hà Tĩnh, ngay từ đầu giờ chiều, mưa lớn dần kèm theo gió mạnh. Đến 17h, gần như toàn thành phố Hà Tĩnh bị mất điện. Các hộ dân đóng cửa tránh bão trong nhà. Các cây xăng, cửa hàng đều không hoạt động. Tiếng gió mạnh, xen lẫn tiếng mái tôn đập phần phật khắp nơi. Một số biển quảng cáo, cây xanh bị gãy đổ.
Tại khu vực huyện Kỳ Anh giáp Quảng Bình, nhiều người dân đã được sơ tán đến trường học, đồn biên phòng tránh bão. Địa phương này đãdi dời khoảng 22.000 hộ dân, chủ yếu ở huyện Kỳ Anh, Thạch Hà, Nghi Xuân. Trước đó, vào buổi sáng nay, ông Cao Đức Phát - Bộ trưởng Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã chủ trì cuộc họp với các ban ngành tại thành phố Hà Tĩnh để bàn cách đối phó với bão. Để chủ động ứng phó với những diễn biến bất thường của cơn bão, UBND tỉnh Quảng Trị đã có công điện khẩn gửi UBND các huyện, thành phố, thị xã, giám đốc các sở, ban, ngành... triển khai nhanh các biện pháp phòng chống bão.
Tại Huế,gió mạnh kèm mưa lớn khiến nhiều cây bị đổ và nhà tốc mái.Tại xã Lộc Vĩnh, Phú Lộc sóng lớn đã làm hơn 300 m bờ kè sạt lở ăn sâu vào đất liền khoảng 4 m. UBND xã đã quyết định di hơn 1.000 khẩu ra khỏi khu vực nguy hiểm. Tuy nhiên, đến trưa nay, một số người dân lại tìm cách quay về nhà dù được khuyến cáo nguy hiểm. TH