Hàn, Triều đối mặt nguy cơ chiến sự (20/10/2012)

Lời đe dọa của quân đội Triều Tiên (KPA) được đưa ra trước việc một nhóm công dân nước này hiện sống ở Hàn Quốc dự định dùng bóng bay để thả các truyền đơn dọc biên giới hai nước.

Người dân ở trong và xung quanh khu vực, nơi những người Triều Tiên lưu vong dự định thả bóng bay kèm truyền đơn, nên đi di tản để tránh những thiệt hại có thể xảy ra, thông báo cho biết thêm. "Khu vực xunh quanh sẽ trở thành các mục tiêu của những đợt tấn công trực tiếp từ KPA", bản thông báo đanh thép tiếp tục nhấn mạnh. "KPA không bao giờ nói suông".

Nhóm người Triều Tiên lưu vong dự kiến thực hiện việc thả truyền đơn vào lúc 11h30 trưa ngày 22/10 theo giờ địa phương, tại khu vực biên giới gần thị trấn Paju, cách thủ đô Seoul khoảng 60 km về phía bắc. Những việc làm như thế này tương đối phổ biến và Triều Tiên đã nhiều lần đe dọa có hành động đáp trả. Tuy nhiên, tuyên bố hôm nay thuộc loại cứng rắn hiếm có, khi nó nêu rõ thời điểm và địa điểm, cũng như cảnh báo di tản.

Lời đe dọa của Triều Tiên được đưa ra khi căng thẳng biên giới hai nước lên cao, và chỉ một ngày sau khi Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak có chuyến thăm bất ngờ tới hòn đảo gần khu vực biên giới tranh chấp giữa hai nước và từng bị Bình Nhưỡng nã pháo hai năm trước.

Trong chuyến thăm, ông Lee nói với các binh sĩ đang đóng quân tại đảo rằng họ nên quyết chiến đến cùng để bảo vệ biên giới và đáp trả thích đáng đối với bất cứ sự khiêu khích nào của Triều Tiên. Tại Hàn Quốc, những lo ngại ngày một lớn về việc Bình Nhưỡng có thể cố tiến hành một cuộc đọ sức quân sự để gây ra bất ổn tạm thời ở bán đảo Triều Tiên, ngay trước khi cuộc bầu cử tổng thống Hàn Quốc diễn ra vào tháng 12.

Hôm 17/10, Hàn Quốc thông báo sẽ tiến hành một cuộc tập trận quy mô lớn nhằm đối phó với những nguy cơ từ Triều Tiên. Hoạt động diễn tập có tên Hoguk sẽ kéo dài trong một tuần từ 25/10, với sự tham gia của 240.000 binh sĩ từ các binh chủng khác nhau và 500 lính Mỹ. Khoảng 28.500 lính Mỹ vẫn đang đồn trú ở Hàn Quốc. Sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Hàn Quốc vẫn được duy trì kể từ sau khi Chiến tranh Triều Tiên kết thúc với một thỏa thuận ngừng bắn chứ không phải là một hiệp ước hòa bình, khiến hai miền trên bán đảo cùng tên về lý thuyết vẫn ở trong tình trạng chiến tranh.

Quỳnh Anh (TH)