Từ nhiều năm qua, các cơ quan chức năng, các địa phương và thân nhân liệt sĩ nỗ lực tìm kiếm và qui tập hài cốt liệt sĩ đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, cho đến nay có một thực tế là tại nghĩa trang liệt sĩ vẫn còn không ít bia mộ liệt sĩ không tên tuổi, hoặc quê quán, thậm chí là họ tên của liệt sĩ hoặc địa chỉ bị sai lệch rất nhiều.
Trong dịp tháng 7 tri ân các Anh hùng liệt sĩ tại Quảng Trị, theo Đoàn CCB huyện Mê Linh tới thăm Nghĩa trang Đường 9. Tôi thấy một CCB cứ ngẩn ngơ đứng trước một ngôi mộ. Thì ra tên, tuổi, đơn vị, xã, tỉnh thì đúng mà huyện lại sai. Ông bảo: Đây đúng là liệt sĩ quê tôi rồi nhưng vì lẽ ra là huyện Mê Linh, Vĩnh Phú (cũ, nay thuộc Hà Nội) lại ghi là huyện Yên Lạc, cũng là một huyện của tỉnh Vĩnh Phú (cũ, nay thuộc Vĩnh Phúc). Sự sai sót này khiến thông tin về liệt sĩ rất khó đến được với người thân.
Thời chiến khốc liệt, cũng dễ hiểu thường có sự sai lệch về thông tin liệt sĩ. Trước hết, do trận đánh đang tiếp diễn lại chôn cất đồng đội dưới làn đạn, bom của địch, kể cả phải tiến hành trong đêm tối hoặc trên đường hành quân. Thứ đến, hồi ấy không phải ai cũng có sẵn giấy bút nên ghi chép cũng rất khó khăn, do đó vị trí mai táng cũng không có được địa chỉ hay tọa độ rõ ràng. Hơn thế, thông tin trên giấy báo tử cũng không rõ: An táng nghĩa trang gần đơn vị, tại mặt trận phía Nam... Nhưng một nguyên nhân đáng nói là sự tắc trách của một số cơ quan chức năng, chính quyền địa phương khi quy tập, di dời vào nghĩa trang gây ra những sai lầm đáng tiếc. Như chuyện người sống có tên trên mộ của CCB Nguyễn Duy Tân (69 tuổi, quê quán xã Minh Tiến, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ). Tháng 7 vừa qua, giữa những dòng người tề tựu viếng Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Đường 9, có người CCB già quê ở Phú Thọ đã tìm thấy ngôi mộ mang tên, địa chỉ của chính mình. Ông đã bật khóc: “Tôi, Tân còn sống đây mà. Đồng chí nào nằm đây, linh thiêng xin báo cho biết…”.
Một nguyên nhân khác làm cho việc tìm kiếm thêm khó khăn do chính từ một số cán bộ làm công tác chính sách tại các quân khu, quân đoàn còn thiếu kinh nghiệm. Nhiều người đã được nghe chuyện về một số CCB của d24, f1 là bạn chiến đấu của liệt sĩ Đào Đức Định đến liên hệ với Phòng Chính sách Quân khu 9 để tìm nơi mai táng cuối cùng của liệt sĩ này. Tại đây, khi cán bộ của Phòng Chính sách mở đến quyển thứ 4 (danh sách các liệt sĩ quê Hà Tây) thì nhóm bạn chiến đấu này mừng đến chảy nước mắt khi nhìn thấy tên liệt sĩ trong danh sách. Nhưng tra tìm mãi cũng không xác định được địa điểm mai táng…
Từ những thực tế trên, mong rằng cơ quan chức năng cần sớm tiến hành việc đối chiếu họ tên, quê quán của các liệt sĩ trong danh sách và trên mộ bia bằng việc kết nối các trang mạng của các địa phương (thậm chí đến cấp xã). Cũng cần chọn, phân công những cán bộ làm công tác chính sách phải có tâm, đủ tầm và không nên kiêm nhiệm. Có như vậy mới đẩy mạnh được công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo, như Chỉ thị số 24-CT/TƯ ngày 15-5-2013 của Bộ Chính trị đã ban hành
Mai Anh