HẢI PHÒNG: Xin hãy khẩn trương xây dựng Nghĩa trang liệt sĩ Bốt Cây Xanh (13/01/2010)

Chúng dựng nên nhiều đồn bốt để giam giữ, khảo tra, dùng nhiều cực hình tra tấn đánh đập dã man các chiến sĩ cách mạng (thời kỳ từ năm 1946 đến năm 1954). Nhiều chiến sĩ đã giữ vững chí khí trung kiên, quyết không khai báo và tất cả đều không thoát khỏi án tử hình của thực dân Pháp, hoặc bị chúng treo cổ dưới cây đa cho đến chết.

Có thể nói những năm từ 1946-1954 tại khu Đồng Xá (bốt Cây Xanh) này có hàng trăm chiến sĩ cách mạng đã anh dũng hy sinh vì cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, giải phóng dân tộc. Bây giờ hài cốt họ còn nằm rải rác nhiều nơi trên khu vực này.

Năm 1959, Nông trường Thành Tô được thành lập, họ quản lý toàn bộ vùng đất này, trong đó có khu vực bốt Cây Xanh. Sau khi nông trường thành lập, họ đào đất đóng gạch, đào hồ nuôi cá và đào được hàng trăm hài cốt liệt sĩ; họ cất bốc và cho vào tiểu chuyển đi chôn cất trên nhiều địa điểm khác nhau (tôi đã ghi lại được hình ảnh nơi đặt mộ của 3 khu vực, mỗi nơi có từ 80 đến trên hàng trăm ngôi mộ liệt sĩ vô danh).

Các chiến sĩ cách mạng chống thực dân Pháp đã anh dũng hy sinh xương máu vì dân, vì nước. Họ đã ngã xuống và nằm lại trên vùng đất bốt Cây Xanh này suốt hơn 60 năm trời. Không một nấm mộ, không tên tuổi, không nghĩa trang và cũng không hương khói. Thật xót xa và tủi phận. Hài cốt họ bây giờ nằm trên những đám đất cỏ tranh phủ kín um tùm, bốn phía là nước bao quanh toàn hồ nuôi cá.

Càng nhìn chúng tôi càng ngậm ngùi, xúc động ứa nước mắt. Họ nằm lại đây có người đã trên dưới 60 năm. Vậy mà suốt hơn nửa thế kỷ qua, không một cơ quan nào của Nhà nước, kể cả chính quyền địa phương nơi họ yên nghỉ cũng không hề hay biết.

Những ngày lễ, ngày tết, ngày 27-7 không được một cây hương ngọn khói. Thật tủi phận cho vong linh của các liệt sĩ. Trong số các liệt sĩ cách mạng hy sinh và nằm lại như thế có cha tôi là liệt sĩ Nguyễn Hữu Quỳ. Ông nhập ngũ năm 1946, bị thực dân Pháp bắt giam và bị kết án tử hình năm 1951 tại bốt Cây Xanh, Hải Phòng.

Cuộc hành trình đi tìm mộ cha tôi phải trải qua hàng chục năm trời đầy thử thách. Nếu không có sự kiên trì, bền bỉ, lòng kiên nhẫn thì khó mà tìm được. Đây thực sự là một điều vô cùng may mắn và hạnh phúc cho gia đình chúng tôi, cho nhiều thế hệ con cháu và anh em họ tộc. Hài cốt ông nay đã được gia đình cất bốc, di chuyển về an táng tại nghĩa trang quê nhà, an toàn và chính xác. Lễ truy điệu ông tại quê nhà thật trang nghiêm và long trọng, với tình cảm sâu nặng, lòng thành kính, tri ân của bà con nhân dân trong xã, về sự hy sinh trọn đời cho dân, cho nước của người con quê hương đi lính vệ quốc chống Pháp.

Bây giờ nhiều đồng đội của ông đang còn phải nằm lại trên những đám đất đầy lau lách, cỏ dại, cạnh hồ ao nuôi cá.

Nay chúng tôi viết đơn này khẩn cầu, đề nghị các cơ quan có thẩm quyền, chính quyền địa phương TP Hải Phòng, cùng các cơ quan báo chí cử người về tại hiện trường khu Thành Tô, Đồng Xá, nơi bốt Cây Xanh thực dân Pháp xâm lược chiếm đóng thời kỳ từ năm 1946-1954 để khảo sát điều tra và tìm hiểu những câu chuyện có thật ở nơi đây - ốt Cây Xanh có hàng trăm hài cốt liệt sĩ bị bỏ quên.

Xin kiến nghị với các cơ quan Nhà nước, chính quyền địa phương ở Hải Phòng kịp thời quy hoạch và xây dựng Nghĩa trang liệt sĩ Bốt Cây Xanh để quy tập tất cả các hài cốt liệt sĩ vào nghĩa trang trong thời gian sớm nhất, đừng để vong linh họ phải tủi phận…

Xây dựng Nghĩa trang liệt sĩ Bốt Cây Xanh chính là để tưởng niệm các chiến sĩ cách mạng đã anh dũng hy sinh vì cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp giải phóng dân tộc. Đây sẽ là nơi để Đảng, chính quyền các cấp và nhân dân có điều kiện dâng hương, tỏ lòng thành kính, tri ân, tri nghĩa đối với sự hy sinh xương máu vì nền độc lập tự do của dân tộc của các chiến sĩ cách mạng.

Đây là tấm lòng thành kính, đầy xúc động của chúng tôi khi được tận mắt nhìn thấy tại khu vực bốt Cây Xanh nơi hàng trăm hài cốt liệt sĩ còn nằm trên những đám đất đầy lau lách, cỏ dại, xung quanh toàn ao hồ nuôi cá không ai chăm sóc hương khói.

NGUYỄN HỮU ĐỊNH