Hai lần tôi bị cảnh cáo
Binh nhì Nguyễn Thị Thúy (giữa) cùng đồng đội ở Đội Điều trị 18, năm 1968.
Tháng 10-1967, tôi xung phong đi bộ đội. Khi ấy, đã 17 tuổi, tôi nặng có 37kg, lại là con gái nên gia đình, bạn bè rất lo lắng…
Nhập ngũ vào Quân y viện 105, tôi cùng 28 chiến sĩ nữ được biên chế vào Đội điều trị 18, mới được thành lập để tăng cường cho chiến trường B. Sau hơn một tháng huấn luyện, cuối tháng 11 thì chúng tôi được lệnh đi “B ngắn” - tăng cường cho chiến trường Trị Thiên.
Sau mấy ngày ngồi xe tải kín mít, chúng tôi bắt đầu hành quân bộ. Lần đầu tiên xa mảnh đất Thạch Thất, Sơn Tây quê nhà, tôi thấy cái gì cũng lạ. Qua phà Long Đại, chúng tôi hành quân qua đất bạn Lào, xuyên rừng trên những lối mòn mà nhiều đoạn mới chỉ phát cành mở lối chứ chưa rõ dấu chân người. Tây Trường Sơn mùa khô, rừng xơ xác, nước thì thật hiếm. Nhiều khi khát quá, gặp hố nước như vũng trâu đằm cũng đành vục bát xuống múc uống. Chỉ khi đến trạm giao liên thì thường có suối, có nước để tắm giặt. Nhưng hầu như đến được trạm thì ai cũng đã mệt phờ, lại phải lo mắc võng, nấu cơm… nên tắm giặt cũng khó. Nỗi khổ vì thiếu nước khiến ai cũng ngao ngán, nhất là với 28 chị em chúng tôi…
Những cung đường không nấu được cơm thì phải ăn gạo sấy, mỗi túi ni lông gói chừng hơn một lạng, chỉ đổ nứơc sôi vào là thành cơm rất dẻo. Không có nước sôi thì cho nước lã hoặc nhai khô chống đói. Một sáng, Hải Đường - cô gái Hà Nội chính hiệu, ở số nhà 139 phố Hàng Bạc bảo tôi: “Thúy ơi, mày với tao ăn cơm khô đi, đói quá”, tôi bảo: “Mỗi người có hai gói cho cả ngày đấy…”. “Mình ăn chung một gói thôi, không ai biết đâu”. Thế là hai đứa bóc ra một gói, lại thêm vào chút mắm tôm cho ngon. Tiểu đội trưởng cảnh vệ đi qua phát hiện được, lên báo ngay với B trưởng Tạ Phú Uyển. Trung đội lập tức báo động, tôi và Hải Đường bị B trưởng giáo huấn, phê bình: “Ai cũng như hai đồng chí thì trên đường hành quân sẽ không có cái ăn, sẽ mất sức chiến đấu…”. Chúng tôi phải nhận hình thức cảnh cáo trước trung đội. Lần đầu vi phạm, bị kỷ luật nên tôi rất buồn… nhưng rồi cũng dần dần nguôi ngoai do có sự đùm bọc giúp đỡ chân tinh của cấp trên và đồng đội.
Nhưng thật không ngờ. Lại một lần nữa… Hôm ấy, đơn vị hành quân đã mệt thì chạm một con suối, lại nghe có tiếng người vọng lại từ phía trước nên tôi đoán chắc là đã đến trạm giao liên và nảy ra ý nghĩ “Tranh thủ tắm cái đã… rồi lên trạm sau…”. Nghĩ vậy, tôi lui lại phía sau và lần ra suối tắm. Tuy vội nhưng tắm gội xong, tôi thấy thật nhẹ nhõm.
Lần đi theo đường cũ được một đoạn thì mất dấu, tôi loanh quanh theo bờ suối rồi cất tiếng gọi to như hét. Nhưng âm thanh như bị bỏ lại trong những tán lá rừng tối thẫm. Không có tiếng trả lời. Sự hoảng hốt càng tăng khi trời xẩm tối, nỗi lo gặp biệt kích, thú dữ, rắn rết… cứ lớn dần.
Chợt thấy lờ mờ giữa suối có một tảng đá to hơn cả con voi, tôi xắn quần lội ra, trải tấm tăng rồi đặt con dao cùng xẻng, cuốc bên cạnh. Thu xếp xong, tôi thấy đỡ sợ hơn rồi từ từ thiếp đi trong màn đêm đen đặc.
Chừng nửa đêm, tôi chợt tỉnh giấc vì nghe có tiếng người trên bờ suối cùng ánh đèn pin le lói. Tôi nín thở, không biết là quân ta hay biệt kích. Khi loáng thoáng nghe thấy mấy từ “Nắm cơm… hành quân…”, nói giọng Bắc, tôi vội hỏi: “Các đồng chí ở đơn vị nào đấy?”. Tiếng đáp lại vẻ mừng rỡ: “Ơ, có tiếng con gái. Sao đồng chí lại ở đây?”. Tôi vội kể về hoàn cảnh của mình.
Thì ra đó là hai chiến sĩ nuôi quân của một đơn vị cũng tạm nghỉ ở khu rừng này, xuống suối lấy nước nấu cơm. Hai anh đưa tôi về gặp chỉ huy đơn vị và báo cáo sự tình. Tôi được cho ăn rồi bố trí mắc võng ngay trong căn hầm của ba đồng chí chỉ huy. Mới ngủ lơ mơ thì nghe có ba tiếng súng từ xa vẳng lại. Anh chỉ huy bảo: “Chắc đơn vị cô ấy đi tìm không thấy nên bắn báo hiệu” rồi cho bắn 3 phát AK đáp lại. Tảng sáng thì hai bên tìm được nhau. Thấy tôi trở về, mấy đứa trong trung đội ôm tôi mừng rỡ vì suốt đêm họ cùng cả đơn vị lo lắng đi tìm tôi.
Sau khi nghe tôi thành thật báo cáo lại toàn bộ chuyện đi tắm, bị lạc rồi gặp đơn vị bộ binh… Trung đội trưởng Uyển lên báo cáo ngay với đại đội. Sau khi hội ý, Đại đội trưởng Quang và Chính trị viên Vệ cho tập hợp ngay cả đại đội để quán triệt, rút kinh nghiệm vụ việc. Tôi bị cảnh cáo trước toàn đại đội. Lần bị kỷ luật này tôi càng thấm thía và hết sức ân hận vì đã làm cả đơn vị phải lo lắng, vất vả tìm kiếm mình suốt đêm…
Sau nửa thế kỷ, số chị em Đội điều trị 18 năm nào, nay chỉ còn hơn một nửa. Mỗi lần tổ chức gặp mặt, trong bao ký ức vui buồn, nhắc lại chuyện hai lần tôi bị cảnh cáo vì tội “ăn và tắm”, mấy chị em vẫn không nhịn được cười.
Vũ Quang Huy
(Theo lời kể của CCB Nguyễn Thị Thúy,
P501, CT1, phố Đỗ Nhuận, Bắc Từ Liêm, Hà Nội)