Hải đoàn 129 kiên trì bám biển
Theo thuyền trưởng Lê Công Chương, trước đây, khi đánh bắt trên biển, nếu tàu bị hỏng hóc đều phải thuê tàu cá của địa phương kéo về đất liền chi phí rất tốn kém, những lúc gió bão thì độ rủi ro cao, nguy cơ đe dọa đến tính mạng của ngư dân. Nhưng nay có các tàu và cán bộ, chiến sĩ của Hải đoàn 129 luôn sẵn sàng giúp đỡ nên ngư dân rất tự tin vươn khơi bám biển, làm lợi về kinh tế cho gia đình và đất nước.
Từ câu chuyện với vị thuyền trưởng tàu BĐ 95662TS, chúng tôi tìm đến Hải đoàn 129 Hải quân. Ở khu vực cầu cảng của đơn vị, cán bộ, nhân viên, người lao động của Xí nghiệp sửa chữa đang miệt mài với công việc bốc xếp hàng hóa lên các con tàu, chuẩn bị cho chuyến hành trình dài ngày sửa chữa bảo trì các trạm dịch vụ kinh tế - khoa học kỹ thuật trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.
Làm việc với Đại tá Nguyễn Tuấn Anh - Hải đoàn trưởng 129, chúng tôi được biết: Cách đây 40 năm, ngày 27-5-1978, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ra quyết định thành lập Hải đoàn 129, với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc và tham gia xây dựng kinh tế. Đến nay, Hải đoàn 129 đã tổ chức hàng nghìn lượt chuyến tàu trực bảo vệ chủ quyền biển đảo, bảo vệ khai thác dầu khí, vận tải chi viện đảo; ngăn chặn hàng trăm lượt tàu thuyền nước ngoài vi phạm chủ quyền; làm tốt công tác cứu hộ cứu nạn trên biển... Trong hoạt động sản xuất kinh doanh, từ năm 2007 đến nay, đơn vị luôn hoàn thành tốt các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra, nộp ngân sách ngày càng cao, bảo đảm tốt đời sống cho cán bộ, chiến sĩ.
Theo Đại tá Nguyễn Tuấn Anh, để thực hiện tốt nhiệm vụ của một đơn vị tuần tra bảo đảm an ninh trên các vùng biển được phân công và làm kinh tế, cấp ủy, chỉ huy Hải đoàn 129 luôn quán triệt nghiêm túc Nghị quyết T.Ư 4, Khóa X “Về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện nhiệm vụ làm kinh tế gắn với quốc phòng chi tiết, chặt chẽ. Các hải đội, xí nghiệp tàu công ích, xí nghiệp sửa chữa, xí nghiệp dịch vụ tổ chức tốt các hoạt động thi đua, lập thành tích cao nhất trong thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao, đồng thời tổ chức cho cán bộ, nhân viên và người lao động đăng ký hoàn thành chỉ tiêu.
Hải đoàn quan tâm nâng cao năng lực sửa chữa thông qua đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng tay nghề; chủ động mở rộng các ngành nghề sản xuất kinh doanh, như dịch vụ dầu khí, dịch vụ cầu cảng, kho bãi, sửa chữa tàu thuyền, sản xuất nước đá... Cùng với đó, tích cực sửa chữa tàu thuyền quân sự và dịch vụ hậu cần nghề cá; đẩy mạnh phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, giữ nghiêm kỷ luật lao động, tiết kiệm chi phí, giảm giá thành, bảo đảm an toàn và vệ sinh môi trường. Hải đoàn đã xây dựng các làng chài, âu tàu để bảo vệ, hỗ trợ ngư dân khai thác hải sản trên biển thông qua các hoạt động: Cứu, kéo, sửa chữa miễn phí tàu cá bị hỏng hóc; cấp nước ngọt và các loại lương thực, thực phẩm, thuốc men; cung ứng dầu cho ngư dân bằng với giá trong đất liền...
Năm 2017, doanh thu của hải đoàn đạt gần 300 tỷ đồng, lợi nhuận đạt hơn 15 tỷ đồng, đời sống người lao động từng bước được cải thiện, thu nhập bình quân đạt gần 18 triệu đồng/ người/ tháng; Hải đoàn vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất.
Qua 40 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, tập thể cán bộ, chiến sĩ Hải đoàn 129 đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, góp phần giữ vững chủ quyền biển, đảo và thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc. Xứng đáng với truyền thống “Đoàn kết, khắc phục khó khăn, kiên trì bám biển, hoàn thành tốt nhiệm vụ quốc phòng kết hợp với kinh tế”.
Nguyễn Kiên