10 lá thư “cưa” đổ cô tiểu thư
Qua vài lần giới thiệu, cuối cùng, chúng tôi cũng gặp được anh bộ đội năm xưa với chuyện tình về 10 lá thư tay “tán đổ” cô tiểu thư xinh đẹp.
Người chiến sĩ đó là Nguyễn Hải Lý (sinh năm 1949, hiện trú tại xóm Phú Tiến, Nghĩa Phú, Nghĩa Đàn, Nghệ An). Ông kể, trong một lần đi mua thực phẩm cho đơn vị, ông được chủ nhà giữ lại ăn cơm. Và hôm ấy ông đã được gặp Trương Thị An-cô con gái chủ nhà trẻ trung, xinh đẹp.
Tuy mới chỉ qua ánh mắt nhìn nhau, nhưng ông thấy sự gần gũi đến kỳ lạ, làm ông xao xuyến trong lòng. Để rồi sau lần gặp đó, là những đêm ông thao thức nhớ người con gái đó không yên.
Và cứ như thế, một đêm, hai đêm rồi ba bốn đêm sau đó, anh lính trẻ không kìm được cảm xúc đã chủ động viết thư trò chuyện.
“Tôi cũng chẳng thể nhớ rõ những lá thư đầu tiên đó nữa. Chỉ biết là do không quen, nên cứ viết xong rồi gạch, rồi lại thay tờ giấy khác viết lại. Khó nhất là câu mở đầu... Thậm chí còn mang ra đọc nhờ anh em sửa hộ” - Ông Lý bộc bạch.
Lá thư đầu tiên gửi đi kèm bao cảm xúc, mong chờ từng ngày với hy vọng nhận được thư trả lời của An. Cứ như vậy, một ngày rồi hai ngày trôi đi, mãi hơn nửa tháng sau, thư của bà mới gửi lại cho ông. Và phải mất vài ba lá thư đầu, cả hai mới bắt nhịp để trò chuyện.
Do điều kiện của người lính nuôi quân, lại trong chiến tranh, nay đây mai đó, nên ông cũng không viết được thường xuyên, có những lần thư cách nhau đến hai ba tháng”- Ông Lý bồi hồi nhớ lại.
Đến lá thư thứ 10 bà gửi cho ông thì lại quá trớ trêu. Bà viết: “Em sắp chuyển ra Hà Nội làm việc rồi. Em thấy hồi hộp quá”... Không một lý do, không một lời giải thích!
Dòng chữ nắn nót đến tỉ mỉ nhưng lại khiến chàng lính trẻ chẳng thể đọc hết đến dòng cuối. Một nỗi buồn nặng nề đè trĩu lên cơ thể khiến ông chẳng còn tâm trí làm việc.
“Tại sao em lại muốn đi?” Câu hỏi chẳng thể giải thích nổi cứ luẩn quẩn trong đầu anh lính trẻ để rồi thắc mắc đó được đẩy lên thành hành động với lá thư đáp lại.
Lá thư viết vội cho bà lần này dường như bỏ qua tất cả những rào cản về sự ngại ngùng mà trước đó ông hay gặp phải. Ông viết những lời chân thành chan chứa nỗi lòng mình, nghĩ, nhớ thương về một người con gái thông minh và xinh đẹp cứ tuôn trào theo dòng cảm xúc tựa như có nguồn lực nào đó thật mạnh mẽ đang đẩy từ trong trái tim để viết ra...
“Đó là lá thư cuối mà tôi viết gửi cho An, và cũng là lá thư dài nhất mà tôi từng viết. Nhưng có lẽ vì tôi coi đó như lá thư chia tay An nên những cảm xúc, tâm tư bấy lâu chưa một lần được nói ra giờ đây mới được dãi bày không chút đắn đo, do dự”.
Lại bất ngờ nữa. Hóa ra, chính từ những dòng tâm sự chân thành dù có phần hơi vụng về của người kém cỏi văn chương, như nó lại “đánh gục” được bà. Bà đã thay đổi ý định ra Hà Nội và đón nhận tình cảm của “anh nuôi quân” mới bước qua tuổi hai mươi thật chân thành và mãnh liệt.
Tháng 3-1973, đôi uyên ương sau bao sóng gió, cách trở cũng đã về chung một nhà. Lễ cưới đơn giản đến mức không thể đơn giản được hơn. Tấm ảnh chụp làm kỷ niệm cũng không có. Nhưng điều đó không còn quan trọng khi xung quanh là những lời chúc phúc của đồng đội và gia đình hai bên, để sau đó, con đường hạnh phúc của hai người cứ tiếp tục được nối dài với sự ra đời của những đứa con khôi ngô, tuấn tú.
**Chuyện tình không một lần tặng quà **
Ngoài câu chuyện tình chan chứa xúc cảm của ông Nguyễn Hải Lý, thì cặp đôi Nguyễn Văn Nghĩa (sinh năm 1948) và bà Cao Thị Lan (sinh năm 1952), cũng để lại cho lóp trẻ chúng tôi thật nhiều ấn tượng.
Sinh ra trong một gia đình đông anh em, cô gái trẻ Cao Thị Lan sớm phải nghỉ học để lao vào cuộc mưu sinh giữa những năm tháng bộn bề thiếu thốn của thời kỳ bao cấp.
Tuổi 17, với nghề buôn bán vặt, đôi quang gánh dẫn lối đưa bà đi khắp vùng, trong đó có cả những Trạm giao liên; chốt đóng quân của các đơn vị bộ đội trên đường vào Nam chiến đấu.
Như một cái duyên tiền định, ngay trên ngôi làng bà đang sống - làng Cháng, xã Nghĩa Hội (Nghĩa Đàn), cũng có một đơn vị bộ đội đóng quân. Nhiệm vụ của đơn vị là ngày ngày tiếp nhận và huấn luyện các lứa tân binh để gửi vào các chiến trường miền Nam.
Ông Nghĩa là lính nuôi quân của đơn vị. Hằng ngày, ngoài việc chăm lo cơm nước cho các đồng chí, thời gian còn lại được dành cho những chuyến đi vào làng mua thực phẩm chuẩn bị cho những bữa ăn sau của đơn vị.
Một buổi chiều tháng 3-1971, trong một chuyến vào làng mua thực phẩm, ông dừng chân bên triền dốc nhỏ. Hai bên đường ngập tràn màu trắng của hoa xoan toả lên mùi hương ngào ngạt...
Đúng lúc đó, thì xa xa phía chân dốc là bóng hình của một cô gái, đội nón lá, quẩy quang gánh đi lên. Hai người tình cờ gặp nhau, nhưng lại khiến trái tim chàng lính trẻ lần đầu tiên có cảm giác rung động trước người con gáil... để sau lần trò chuyện vội vàng đó, anh lính đem lòng si mê và mong ngày được gặp lại.
Cũng bởi lý do đi tìm mua thực phẩm mà một lần, hai lần, rồi tiếp nối sau đó, hai người có cớ để gặp gỡ nhau, mến nhau lúc nào không hay
Câu chuyện tình của hai người diễn ra êm đềm và có phần “nhạt” đến mức đứa cháu nhỏ của ông bà chẳng thể đủ kiên nhẫn để nghe ông nội kể hết.
Gần hai năm yêu nhau, nhưng ngay cả ngày sinh nhật của người yêu, ngoài lời chúc suông thì ông chẳng có nổi một món quà, dù là chỉ một nhành hoa rừng tặng bà.
“Ngày ấy chiến tranh ác liệt. Được yêu nhau thế cũng là đặc ân lắm rồi, chứ quà cáp, hoa hoét gì...” - bà Lan đỡ lời ông.
Và cũng có lẽ bởi cả hai hiểu và cảm thông được hoàn cảnh của nhau nên tháng 9-1972, một lễ cưới giản dị nhưng ngập tràn niềm hạnh phúc như là minh chứng cho sự đơm hoa của 19 tháng yêu nhau. Rồi sau đó, ông Nghĩa lại tiếp tục lên đường làm nhiệm vụ cho đến tận ngày giải phóng, còn bà Lan ở nhà giúp chồng chăm lo gia đình và các con.
Nhớ lại những ngày đầu yêu nhau, cô gái trẻ ngày nào dường như vẫn còn chút e thẹn, ngượng ngùng khi chúng tôi xin phép chụp ảnh của hai người.
Bà một mực từ chối, vì “Già nhăn nheo rồi, chụp ảnh lên xấu lắm”!
Lý do thật tự nhiên mà chân thành để kết thúc cuộc trò chuyện của chúng tôi.
Bài và ảnh: Thủy Lợi