Hai bảo vật quý của Ngày toàn thắng

Trong hồ sơ lưu trữ của Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, tấm bản đồ và chiếc xe tăng này là hiện vật gốc, có giá trị lịch sử đặc biệt liên quan đến Chiến dịch Hồ Chí Minh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975. Chiếc xe tăng T54 mang số hiệu 843 do Liên Xô (trước đây) chế tạo và viện trợ cho Việt Nam được biên chế vào Đại đội 4, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn xe tăng 203, Quân đoàn 2 từ tháng 5-1974, đã tham gia giải phóng Huế, Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung và tiến đánh về Sài Gòn trong chiến dịch Hồ Chí Minh. Kíp xe tăng này gồm có trung úy Bùi Quang Thận, Đại đội trưởng kiêm trưởng xe, hạ sĩ Lữ Văn Hỏa lái xe, trung sĩ Thái Bá Minh pháo thủ số 1, hạ sĩ Nguyễn Văn Kỷ pháo thủ số 2. Vào lúc 9 giờ sáng ngày 30-4-1975, chiếc xe cùng đơn vị tiến đến cầu Thị Nghè, bắn cháy 2 xe M41 và 1 xe M113 của địch rồi dẫn đầu đội hình tiến thẳng đến Dinh Độc lập… Trung úy Bùi Quang Thận nhanh chóng cắm cờ chiến thắng lên nóc Dinh Độc lập, đánh dấu sự kết thúc của chế độ Việt Nam cộng hòa.
Năm 1979, chiếc xe tăng này được đưa về trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, đến tháng 10-2012 được công nhận là Bảo vật quốc gia (đợt 1).
Cùng với chiếc xe tăng T54 số hiệu 483 còn có tấm Bản đồ quyết tâm chiến dịch Hồ Chí Minh là tấm bản đồ miền Nam Việt Nam can từ 12 mảnh, phía trên có chữ “Quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh”, phía dưới góc bên phải có dòng chữ “Làm tại Chỉ huy sở, ngày 22-4-1975” ở căn cứ Tà Thiết, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước. Đồng chí Phạm Hùng-Chính ủy Chiến dịch ký tên là Bảy cùng chữ ký của Đại tướng Văn Tiến Dũng-Tư lệnh Chiến dịch. Bản đồ Quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh thể hiện 5 hướng tiến công của các binh đoàn chủ lực và các đơn vị tiến công vào Sài Gòn. Tấm bản đồ quý giá này cùng 11 hiện vật và nhóm hiện vật được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia đợt 3 ngày 14-1-2015 vừa qua.
Thăm lại các bảo vật quốc gia, càng thêm yêu quê hương đất nước và ai cũng như sống lại một thời đầy hào hung của dân tộc.
Bài và ảnh: Lê Doãn Chiêu