Hà Tĩnh: Một thương, bệnh binh gần 30 năm đi đòi lại chế độ
Mập mờ chuyện thu hồi sổ sách, cắt chế độ
“Tôi tham gia Quân đội luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, được Đảng, Nhà nước, Quân đội tặng nhiều Huân, Huy chương, Bằng khen, Giấy khen các loại. Do hai lần bị thương, sức khỏe yếu, đơn vị cho xuất ngũ về địa phương, được hưởng chế độ thương binh hạng 1 vĩnh viễn và chế độ bệnh binh 61%. Tháng 10-1987, cán bộ TBXH xã đến thu hồi Sổ Bệnh binh và Thẻ Thương binh rồi sau đó cắt luôn chế độ của tôi mà không rõ nguyên nhân. Gần 30 năm tôi khiếu nại hết các cấp nhưng không hiểu sao các cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh vẫn thờ ơ, vô cảm. Phải chăng có sự mập mờ nào trong đó?” - Ông Dương Đình Tiến chia sẻ.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết: Ông Dương Đình Tiến (SN 1944, trú tại xã Kỳ Lâm, Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Nhập ngũ ngày 5-4-1963 vào quân đội trực tiếp chiến đấu tại chiến trường Tây Nguyên và chiến trường Quảng Trị. Trong quá trình chiến đấu ông đã hai lần bị thương, được giám định tỷ lệ thương tật và cấp Sổ Thương binh hạng 1 vĩnh viễn. Tháng 12-1976 ông xuất ngũ về địa phương. Năm 1984, do sức khỏe yếu, ông được đi giám định lại sức khỏe được Ty Thương binh xã hội Nghệ Tĩnh ban hành Quyết định số 3034/TBXH, ngày 1-7-1984 trợ cấp chế độ bệnh binh với tỷ lệ bệnh tật 61% và được cấp giấy chứng nhận bệnh binh.
Tháng 10-1987, cán bộ TBXH xã Kỳ Lâm là ông Phạm Hồng Lân-Phó Ban chuyên trách TBXH xã đã đến thu hồi Sổ Bệnh binh và Thẻ Thương binh của ông Tiến để nộp lên trên. Sau đó ông Tiến cũng bị cắt luôn hai chế độ bệnh binh và thương binh. Từ đó đến nay, ông Tiến đã gửi đơn kêu cứu khắp nơi từ địa phương đến Trung ương nhưng tất cả đều vô vọng mặc dù một số cơ quan ở Trung ương đã có nhiều văn bản chỉ đạo tỉnh Hà Tĩnh vào cuộc nhưng các cơ quan chuyên môn của tỉnh này cứ đùn đẩy trách nhiệm. Gần đây, sau khi nhận được đơn và đọc trên facebook của ông Tiến, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã chỉ đạo quyết liệt thì Sở LĐTBXH tỉnh Hà Tĩnh mới chịu vào cuộc trong sự lúng túng. Tuy nhiên, điều chúng tôi muốn nói đó là các cấp chuyên môn từ xã cho đến tỉnh không có một cơ quan nào lưu giữ bất cứ một loại giấy tờ nào liên quan đến chế độ chính sách của ông Tiến.
Để rộng đường dư luận, chúng tôi đã tìm về cơ sở để tìm hiểu ngọn ngành sự việc. Trả lời câu hỏi của chúng tôi về việc ông Tiến có phải là đối tượng chính sách của xã và có hay không việc thu hồi Sổ Bệnh binh, Thẻ Thương binh của ông Tiến? Ông Phạm Hồng Lân (SN 1953, trú thôn Hải Hà, xã Kỳ Lâm, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) nguyên Phó ban chuyên trách TBXH xã Kỳ Lâm thừa nhận: “Tôi khẳng định, ông Dương Đình Tiến là đối tượng chính sách của xã. Chính tôi là người đi nhận chế độ trên cấp về cấp cho ông Tiến hằng tháng. Thời điểm đó, tôi là người trực tiếp nhận sự chỉ đạo của Phòng TBXH huyện Kỳ Anh đến thu Sổ Bệnh binh 61% của ông Tiến để nộp lên trên. Sau khi thu xong tôi nộp cho ông Nguyễn Thái Cảnh, cán bộ phụ trách công tác TBXH huyện. Một thời gian sau, tôi nghe Trưởng phòng TBXH huyện là bà Nguyễn Thị Hưng nói là cắt chế độ ông Tiến. Còn việc cắt chế độ của ông Tiến hoàn toàn không có một văn bản nào”.
Ông Nguyễn Văn Niện (SN 1958, trú Thôn Bắc Hà, xã Kỳ Lâm), nguyên Phó ban TBXH xã Kỳ Lâm từ năm 1983-1985 cũng xác nhận ông Dương Đình Tiến là đối tượng chính sách được hưởng chế độ thương binh và bệnh binh của xã. “Thời điểm đó không những tôi mà cả xã ai chẳng biết ông Tiến là thương binh và bệnh binh, biết rằng vào giai đoạn đó, theo quy định, người được hưởng hai chế độ như ông Tiến chỉ được nhận một chế độ, chế độ nào cao hơn thì nhận, ông Tiến có chế độ bệnh binh cao hơn chế độ thương binh nên ông Tiến chỉ nhận chế độ bệnh binh”.
Còn ông Lê Hồng Phong (SN 1955)-Bí thư Chi bộ thôn Kim Hà, xã Kỳ Lâm, là người nguyên giữ nhiều chức vụ chủ chốt trong xã thời kỳ đó và là người giải quyết đơn khiếu nại của ông Tiến khi bị mất chế độ cũng đã thừa nhận là ông nắm rất rõ việc ông Tiến là đối tượng chính sách của xã. “Ông Tiến là bệnh binh hạng hai, thời điểm đó, tôi là đại biểu HĐND xã, Trưởng ban Văn hóa xã, kiêm Bí thư đoàn xã nên tôi nắm rất chắc; sau khi ông Tiến có đơn khiếu nại việc bị cắt chế độ lúc đó tôi là Chủ tịch UBND xã đã trực tiếp giải quyết và có đề nghị lên trên phục hồi chế độ cho ông Tiến nhưng mãi vẫn không thấy. Tôi cũng mong rằng các cấp cần sớm phục hồi chế độ cho ông Tiến vì ông Tiến là người thực việc thực”.
Ngoài ra còn nhiều nhân chứng khác mà chúng tôi đã đến tìm hiểu tất cả đều xác nhận đã từng sống, chiến đấu và công tác cùng ông Tiến nắm rất rõ quá trình ông Tiến bị thương và sau đó được hưởng chế độ thương binh và bệnh binh tại địa phương sau khi xuất ngũ. Tuy nhiên, điều mọi người đều phân vân là không hiểu nguyên nhân vì sao ông Tiến lại bị cắt chế độ một cách vô cớ (?!).
Cơ quan chức năng “vô cảm”
“Quyết định 78-CP ban hành, Thông tư 13-TBXH đã hướng dẫn thực hiện cụ thể từng loại đối tượng. Vậy nhưng cho đến nay các cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh, cấp nào cũng đều biện minh cho sự yếu kém của mình khi giải quyết đơn thư khiếu nại của tôi. Phải chăng “vì cố tình né tránh trách nhiệm” hay “không hiểu pháp luật”…? - Ông Dương Đình Tiến bức xúc.
Ở vào cái tuổi trên “xưa nay hiếm”, tấm thân gầy còm, mái tóc bạc trắng bết mồ hôi, đôi mắt mờ, ông Tiến đang chăm chú vào chỉ số máy đo huyết áp cho người vợ bị trọng bệnh đã hơn 6 năm nằm liệt một chỗ. Dành chút thời gian ít ỏi, ông Tiến ngậm ngùi: “Vợ tôi cũng vì tôi mà nên nông nổi này đó. Tôi theo khiếu kiện đòi lại chế độ, gia đình có gì bán hết để làm lộ phí, vợ tôi rất ủng hộ nhưng quá bức xúc, thân tàn lực kiệt thương chồng nên đổ bệnh. Cũng vì đó mà tôi phải gác lại việc đi khiếu kiện, khiếu nại chế độ một thời gian. Giờ tôi chỉ mong được phục hồi chế độ cho bà vui”.
Đưa thuốc cho vợ uống xong, ông Tiến chia sẻ: “Hơn hai phần ba sức khỏe tôi gửi lại chiến trường. Trở về địa phương, sức khỏe yếu, được Đảng, Nhà nước cho hưởng chế độ trợ cấp, tôi rất tự hào. Vậy mà không hiểu sao các cơ quan chức năng của địa phương nỡ lòng nào lại vô cảm với người có công với cách mạng đến vậy? Tôi là người thực việc thực, cả xã hội này ai mà không biết?”.
Cũng theo ông Tiến: Tôi không thuộc diện phải thực hiện theo Quyết định 78 của Hội đồng Chính phủ, sao các cấp lại thu thu hồi Sổ Bệnh binh và Thẻ Thương binh của tôi. Thu rồi thì phải có ý kiến trả lời cho tôi chứ, tôi đã hưởng chế độ bao nhiêu năm chẳng lẽ chế độ chính sách của tôi từ trên trời rơi xuống sao? Làm mất sổ của tôi thì phải có hồ sơ lưu chứ, sao lại trả lời tôi là tất cả các cấp đều không có hồ sơ lưu, chẳng lẽ tôi là người đã từng hưởng chế độ chính sách gian dối sao và từng ấy năm tôi hưởng chế độ đó là sai?
Ông cho biết: “Hôm trước có đoàn cán bộ của Sở LĐTBXH của tỉnh, của huyện và xã về nhà tôi làm việc tôi rất phấn khởi cứ ngỡ rằng sự thật của tôi sẽ được sớm phục hồi, vậy nhưng đoàn cán bộ cũng chỉ vòng vo câu chuyện. Tôi đã trình bày rõ vấn đề và cho xem tất cả các loại giấy tờ gốc mà tôi còn may mắn giữ được nhưng rồi cũng chẳng có động thái gì. Biên bản làm việc chỉ năm câu, ba chữ không đâu vào đâu. Gần đây tôi nhận được văn bản của UBND tỉnh, Sở LĐTBXH tỉnh Hà Tĩnh gửi cho tôi với nội dung xin ý kiến của Bộ LĐTBXH, tôi thấy rằng nội dung công văn không sát thực. Tôi nghĩ rằng người ký công văn chưa hiểu sâu về quyết định, thông tư và thậm chí một số nghị định khác của Hội đồng Bộ trưởng và Chính phủ đã ban hành vào thời kỳ đó, thậm chí là cả sau này. Nghị định và thông tư ban hành một đường, Sở LĐTBXH Hà Tĩnh thực hiện một nẻo”.
“Bên cạnh đó, tôi cũng thẳng thắn trao đổi với các anh một vấn đề mà tôi luôn suy nghĩ đó là sự vô cảm của các cơ quan chuyên môn của tỉnh Hà Tĩnh đối với người có công với cách mạng như tôi đó là: Tôi theo kiện gần 30 năm hết các cấp, mặc dù đã có rất rất nhiều văn bản của cấp Trung ương chỉ đạo về Hà Tĩnh để xác minh, điều tra và giải quyết chế độ cho tôi nhưng cho đến nay vẫn vậy, cứ trả lời hồ sơ không còn lưu giữ. Vậy tôi xin hỏi, trách nhiệm của các cơ quan chức năng Nhà nước ở đâu? Chẳng lẽ một chiến sỹ đặc công như tôi đã xả thân quên mình vì cách mạng lại là giả sao? Hay chờ tôi chết luôn 1/3 sức khỏe còn lại thì mới chịu giải quyết hay cố tình cho “chìm xuồng” chế độ của tôi?”- Ông Tiến buồn bã chia sẻ.
Nghe, ngẫm câu chuyện ông Dương Đình Tiến kể, chúng tôi không thể không suy nghĩ. Phải chăng, sự vô cảm của các cơ quan chuyên môn tĩnh Hà Tĩnh khi giải quyết chế độ của ông Tiến là có thật? Để rộng đường dư luận chúng tôi đã hành trình tìm đến các cơ quan liên quan để có câu trả lời.
(Còn nữa)
Bài và ảnh: Xuân Hoàng-Võ Việt