Hà Tĩnh: 5 Cựu TNXP mong ngóng chờ chế độ

14 năm mỏi mòn chờ đợi
Trong đơn ông Phụng trình bày: Từ năm 1971-1974, ông gia nhập lực lượng Thanh niên xung phong (TNXP ), làm nhiệm vụ san lấp hố bom tại Ngã ba Khe Giao, một trọng điểm trên tuyến quốc lộ 15A, cạnh Ngã ba Đồng Lộc. Vào ngày 12-10-1972, ông bị thương do bom Mỹ ném xuống tại khu vực Khe Giao, bị gãy xương vai phải, tay phải, đầu gối phải, đầu gối trái. Ông được đơn vị đưa về điều trị tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh (nằm ở địa bàn xã Thạch Hương). Sau thời gian điều trị vết thương, ông trở lại đơn vị công tác cho đến năm 1974 thì được trở về địa phương. Đến năm 2003, trong một đợt giám định sức khỏe tại Hà Tĩnh, ông được kết luận tỷ lệ thương tật 22%. Trong biên bản của Hội đồng Giám định y khoa Hà Tĩnh ghi ngày 10-10-2003 do bà Thái Thị Tuyết làm Chủ tịch HĐGĐ có ghi rõ kết quả khám hiện tại:

  • Vết thương trước đỉnh phải sẹo nhỏ lõm chạm mẻ xương (tiền sử đau đầu).
  • Vết thương 1/3 dưới trước đùi phải (gối phải) kích thích thần kinh đùi.
  • Các vết thương cẳng tay phải + gối trái sẹo liền.
  • Chụp XQ xương bờ vai phải hiện tại không thấy tổn thương.
    Từ kết quả khám thương tật HĐGĐ Y khoa đã đưa ra quyết định: Ông Nguyễn Đăng Phụng được xác định tỷ lệ mất sức lao động do thương tật là 22%. Mặc dù có kết luận của HĐGĐ Y khoa tỉnh Hà Tĩnh nhưng không hiểu sao ông Phụng vẫn chưa được hưởng chế độ thương binh? Theo một số ý kiến giải thích từ cơ quan chuyên môn thì trường hợp của ông Phụng còn phải chờ giám định của cấp trên.
    Bẵng đi một thời gian dài, đến năm 2012, ông Phụng được đi giám định tại bệnh viện đa khoa T.Ư. Sau đó, rất nhiều người trong đợt đi kiểm tra cùng ông Phụng được hưởng chế độ trợ cấp một lần, còn 5 người khác trong đó có ông Phụng được thông báo là đủ điều kiện hưởng chế độ thương tật. Nhưng đó chỉ là nghe nói, ông Phụng và gia đình chờ đến mỏi mòn, nhiều lần ông Phụng lên tận Sở LĐTBXH và Hội TNXP tỉnh Hà Tĩnh để hỏi thì được trả lời: Hồ sơ của ông đã bị thất lạc!

Cần phải trả lời dứt khoát và minh bạch
Để làm rõ hơn về nội dung đơn trình bày của ông Phụng, PV Báo CCB Việt Nam đã tìm đến Tổng hội TNXP tỉnh Hà Tĩnh. Khi đặt vấn đề sự việc 5 cựu TNXP vẫn chưa được giải quyết chế độ, ông Đào Văn Tinh - Chủ tịch Hội Cựu TNXP Hà Tĩnh bức xúc: Không thể như thế được, phải trả lời rõ ràng, dứt khoát và minh bạch để đối tượng yên tâm, dù được hưởng hay không được hưởng thì vẫn phải trả lời chứ cứ để 14 năm nay, các đối tượng mong mỏi và hi vọng là không nên...
Vẫn theo ông Tinh thì trước năm 2003, Nhà nước đang thực hiện giải quyết chế độ thương binh có 2 người làm chứng theo Thông tư 16, nhưng đến năm 2003, thì áp dụng Thông tư 17 nên 2 người làm chứng không còn hiệu lực, vì vậy, số lượng hồ sơ tồn đọng để hưởng chế độ chính sách rất là lớn, phải chờ đến năm 2012 mới được giải quyết bằng cách tổ chức giám định y khoa tại bệnh viện T.Ư. Hà Tĩnh lúc đó có trên 300 hồ sơ nhưng số được vào giám định thương tật chỉ có 64 trường hợp. Trong số 64 trường hợp này có 59 đối tượng đủ điều kiện hưởng chế độ thương tật từ 21% trở lên, còn 5 trường hợp chưa có kết luận cụ thể vì không thể hiện có kim khí trong người mà lý do bị sức ép. Vì sức ép chưa được quy định ở thông tư nào cả, nhưng đây cũng là một loại hình bị thương, chúng tôi đã đề nghị lên UBND tỉnh và tỉnh đã đồng ý làm văn bản gửi lên Cục Người có công và giao Sở LĐTBXH chịu trách nhiệm chính về vấn đề này. Tuy vậy, không hiểu vì sao giữa Sở LĐTBXH Hà Tĩnh và Cục Người có công vẫn chưa đưa ra được một thông báo cụ thể về 5 trường hợp nói trên, để thời gian đã kéo dài 5 năm, làm cho các gia đình mỏi mòn chờ đợi. Theo tôi thì vấn đề này thuộc về trách nhiệm của Sở LĐTBXH Hà Tĩnh - ông Tinh nói.
Làm việc với Phòng Người có công thuộc Sở LĐTBXH Hà Tĩnh, chúng tôi được cán bộ phòng này cung cấp một số văn bản thể hiện từ năm 2012 đến nay, cho thấy Sở LĐTBXH Hà Tĩnh đã có văn bản gửi đến Hội đồng GĐYK T.Ư đề nghị cho biết kết luận thương tật của 5 trường hợp gồm các ông Nguyễn Đăng Phụng (T.P Hà Tĩnh), Phạm Danh Hà (Thạch Hà), Trần Đình Ất (Cẩm Xuyên) và các bà Võ Thị Thanh (Hương Khê), Nguyễn Thị Nhơn (Hương Sơn).
Cán bộ phòng Người có công cho hay, sau khi nhận được công văn trả lời của Viện GĐYK về 2 trường hợp là ông Nguyễn Đăng Phụng và bà Võ Thị Thanh, ngày 17-12-2015, Sở lại có công văn kính đề nghị Cục Người có công - Bộ LĐTBXH trả lời bằng văn bản về 2 trường hợp nói trên để Sở có cơ sở giải quyết chế độ chính sách cũng như trả lời đối tượng. Tuy vậy, cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa nhận được công văn phúc đáp của Cục Người có công.
Theo ông Võ Xuân Linh - Phó giám đốc Sở LĐBXH Hà Tĩnh cho biết: Phía Sở đang tiếp tục làm công văn gửi lên Cục Người có công đề nghị làm rõ và có kết luận về 5 trường hợp hồ sơ đang bị tồn đọng chưa có kết luận giám định y khoa để tìm hướng giải quyết.
Lời ông Linh nói là vậy nhưng thiết nghĩ, 5 trường hợp nêu trên trong đó có ông Phụng từng được đi giám định 2 lần, đến nay qua năm thứ 14 mà vẫn phải để họ mỏi mòn chờ đợi kết quả là điều đáng trách. Đề nghị Sở LĐTBXH Hà Tĩnh và Cục Người có công sớm có trả lời thỏa đáng, cần có “trách nhiệm” đối với 5 trường hợp trên!
Bài và ảnh: Lê Anh