Lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội cũng cho biết, đến nay Tổng công ty Cổ phần Thương mại và Truyền thông Vinasing đã khảo sát và ký biên bản thống nhất với UBND phường, xã và Tổng Công ty vận tải Hà Nội được 416/528 vị trí đủ điều kiện lắp đặt nhà vệ sinh. Đợt 1 (trước Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017) đề xuất lắp đặt tại 181/398 vị trí. Công ty này đã thi công và lắp đặt được 64 vị trí nhà vệ sinh tại các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Bắc Từ Liêm, Hoàng Mai, Tây Hồ, Hà Đông, Long Biên, Cầu Giấy. Có 10 vị trí nhà vệ sinh đã hoàn thành điện, nước, đủ điều kiện vận hành, và đã bàn giao cho Công ty TNHH MTV môi trường đô thị Hà Nội quản lý từ ngày 21-2.
Nhưng chính quyền một số địa phương chưa phối hợp tốt trong công tác bàn giao mặt bằng; nhiều hộ dân và cơ quan, tổ chức xung quanh khu vực dự kiến lắp đặt phản đối yêu cầu ngừng thi công khi đang tiến hành thi công lắp đặt như các vị trí: Hè phố đường Văn Cao tường rào Cung thể thao Quần Ngựa, kho chứa tang vật của Công an phường Liễu Giai cũ (số 32 Văn Cao), vỉa hè Hồ Hàm Long đối diện Ban Chỉ đạo Tây Bắc, vườn hoa ven Hồ Tây đối diện 121 Yên Hoa, vườn hoa ven Hồ Tây khu vực 322 Lạc Long Quân đối diện số 95 Vệ Hồ… Đến ngày 5-3, tiếp tục hoàn thiện 33 nhà vệ sinh. Còn lại 21 nhà vệ sinh đang hoàn thiện.
Trả lời câu hỏi của phóng viên ông Lê Minh Thơ – Chủ tịch HĐQT, Tổng công ty Cổ phần Thương mại và Truyền thông Vinasing cho biết: Nguyên nhân một số nhà vệ sinh xây xong phải đóng cửa là do chờ bàn giao hoặc hệ thống cung cấp nước không đủ để hoạt động. Nguồn kinh phí xây dựng 1.000 nhà vệ sinh công cộng là xã hội hóa từ quỹ của Tổng công ty, một số nhà đầu tư tài trợ và vận động ủng hộ…
Bài và ảnh: An Hà