Hà Nội triển khai phòng, chống thiên tai năm 2018

Tại buổi giao ban, đồng chí Đỗ Đức Thịnh- Chi cục trưởng Chi cục Đê điều, CVP Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai TP. Hà Nội cho biết, tháng 5 – 10-2018 dự kiến sẽ xuất hiện 10 - 12 cơn bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông và có khoảng 2 -3 cơn bão ảnh hưởng đến khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Đồng thời, xuất hiện nắng nóng cục bộ vào cuối tháng 5 và tháng 8/2018. Trong tháng 6 và tháng 7 xuất hiện 3 -5 đợt nắng nóng diện rộng tuy nhiên không gay gắt và không kéo dài như năm 2017. Bên cạnh đó, mưa lớn diện rộng năm 2018 có khả năng xuất hiện 6 - 8 đợt, với lượng mưa dự kiến dao động từ 700 - 900 mm vào tháng 5 và tháng 7. Năm 2018 cũng được dự báo là năm thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp, bất thường.
Để chủ động phòng, chống thiên tai,TP. Hà Nội triển khai nhiều phương án phòng, chống lụt, bão và úng ngập, xác định 4 trọng điểm (khu vực đê kè Cổ Đô, cống Liên Mạc, cống Xuân Canh - Long Tửu và cống Cẩm Đình); 12 điểm xung yếu, từ đó xây dựng phương án hộ đê, bảo vệ trọng điểm thành phố Hà Nội năm 2018. Đối với khu vực ngoại thành, các huyện tập trung đẩy nhanh tiến độ gieo cấy, đảm bảo cấy xong cơ bản vụ mùa trong khung thời vụ tốt nhất; đồng thời thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng các khu vực ruộng trũng để phòng, chống úng hiệu quả. Giải pháp tiêu úng cần phải linh hoạt, đồng thời kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình đê điều, hồ đập, công trình thủy lợi, công trình phòng chống thiên tai trước mùa mưa bão…
Trả lời các câu hỏi của phóng viên, đồng chí Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NNPTNT TP. Hà Nội cho biết, các cơ quan chức năng và chính quyền các quận, huyện của TP. Hà Nội đang tăng cường công tác quản lý, chấn chỉnh hoạt động của các đơn vị, cá nhân vi phạm Luật Đê điều. Với lượng mưa từ 50mm đến 100mm, kéo dài trong 2 giờ, Hà Nội có 15 điểm bị ngập úng. Mưa càng lớn thì các điểm ngập úng sẽ nhiều hơn và mức độ lớn hơn do tốc độ xây dựng trong khu vực nội đô thời gian qua rất mạnh và ý thức của một số người dân còn vứt rác xuống các cống nước, hố ga làm ảnh hưởng đến dòng chảy.
Cùng với việc rà soát, tổng hợp những vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn; trong đó, các huyện Chương Mỹ, Ba Vì, Quốc Oai, Thạch Thất, Sóc Sơn, Mỹ Đức, chủ động di dời dân trong trường hợp khấn cấp, các ngành chức năng tổ chức phổ biến, tuyên truyền, triển khai thực hiện quy định pháp luật về phòng, chống thiên tai để nhân dân biết, chủ động ứng phó, đồng thời chủ động xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2018 cụ thể, sát thực tế của địa phương và chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư, hậu cần, kinh phí theo phương châm “4 tại chỗ”.
PV