Hà Nội tích cực xử lý tình trạng úng ngập trong mùa mưa bão 2018
Ông Võ Tiến Hùng, Tổng giám đốc Cty TNHH MTV thoát nước Hà Nội thông tin tại Hội nghị giao ban
Mùa mưa năm 2018, dự báo với cường độ mưa trong khoảng từ 50-100mm, trong khoảng 2h, thì các tuyến phố chính trong khu vực nội thành Hà Nội vẫn còn 15 điểm úng ngập. Ngoài ra, còn tồn tại các điểm ngập cục bộ trên một số tuyến thuộc thị trấn các huyện và trong các ngõ, ngách khu dân cư 12 quận nội thành, các tuyến tỉnh lộ, quốc lộ. Đây là những tuyến mới tiếp nhận bàn giao theo phân cấp, hệ thống thoát nước hiện trạng hoạt động kém, chưa đồng bộ hoặc nhiều đoạn xuống cấp, chưa có hệ thống thoát nước đô thị gây tình trạng úng ngập cục bộ. Hà Nội đang chuẩn bị đầu tư dự án hệ thống thoát nước mưa, chống ngập với tổng mức đầu tư trên 8.000 tỷ đồng, cải tạo xây dựng mới 4 trạm bơm tổng công suất 35,5 m3/giây; cải tạo, xây mới 9 hồ với tổng diện tích 127ha; cải tạo xây mới trên 13km kênh hở; cải tạo xây dựng mới trên 14km cống trục chính…
Tại buổi giao ban, ông Võ Tiến Hùng, Tổng Giám đốc công ty MTV Thoát nước Hà Nội cho biết, đến tháng 8, Công ty sẽ xóa bỏ 3 điểm úng ngập: Giải Phóng-đoạn trước bến xe phía Nam; Phan Văn Trường; Nguyễn Chính. Đến cuối năm nay, xoá 8 điểm bao gồm: Đội Cấn, Phạm Văn Đồng, Trường Chinh, Minh Khai đoạn chân cầu Vĩnh Tuy, Thụy Khuê, Hoa Bằng, chùa Bút Tháp, Ngọc Lâm. Bên cạnh đó, Công ty đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án thoát nước trong các tình huống xảy ra mưa lớn trên địa bàn, trong đó chuẩn bị sẵn sàng các xe bơm di động, xe hút tec, các thiết bị phương tiện cơ giới; các trạm bơm cục bộ hiện có thẻ bơm nước chống úng ngập cục bộ tại một số điểm trũng trên các trục đường chính nhằm giải tỏa ùn tắc giao thông khi xảy ra mưa lớn. Với 4 điểm ngập úng cố hữu khu vực ngã 5 Đường Thành - Bát Đàn - Nhà Hoả, Nguyễn Khuyến, Cao Bá Quát đơn vị đang nghiên cứu giải quyết bằng hầm điều tiết nhân tạo. Khi mưa ngập sẽ đưa nước về hầm sau đó sẽ điều tiết bằng hạ nguồn nước hoặc bơm tự động, lượng nước sau đó sẽ dùng để tưới cây hoặc cho cứu hỏa. Ông Hùng khẳng định giải pháp xây hầm rất khả thi, đang đề xuất với UBND thành phố. Hầm sẽ có dung tích khoảng 2.000m3 và sử dụng công nghệ của Nhật Bản, hiện công nghệ này đã rất phổ biến trong TP.HCM. Với giá vật tư, vật liệu chưa nội địa hóa, TGĐ công ty MTV Thoát nước HN dự tính kinh phí xây dựng vào khoảng 25 tỷ, nếu nội địa hóa được thì giá thành sẽ rẻ hơn.
Tin, ảnh: QUỐC HUY