Hà Nội tích cực phòng cháy chữa cháy
Trong số 61 vụ cháy xảy ra trên địa bàn thành phố có tới hơn một nửa nguyên nhân do điện. Trong đó, địa điểm xảy ra cháy chủ yếu là ở nhà dân, cơ sở sản xuất, quán ăn, nhiều trường hợp phương tiện cháy trong khi đang di chuyển. Điều này đặt ra nhiều lo ngại về công tác phòng cháy tại các khu dân cư, đặc biệt là các toà nhà cao tầng, nhà ống.
Trong quý 1-2016 Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy đã mở ba đợt tuyên truyền sâu rộng tới các tầng lớp nhân dân; in ấn trên 100.000 tờ rơi; tổ chức 240 buổi tuyên truyền, nói chuyện về phòng cháy chữa cháy cho gần 15.000 người tham dự. Các đơn vị kiểm tra, phúc tra 6.170 lượt đơn vị, cơ sở; phát hiện và yêu cầu khắc phục 25.211 tồn tại thiếu sót về phòng cháy chữa cháy; xử phạt hành chính 1.042 tổ chức, cá nhân vi phạm với số tiền trên 1.284 triệu đồng. Đồng thời thẩm duyệt, trả lời 456 hồ sơ; cấp 348 giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm cháy nổ.
Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy rà soát, hướng dẫn các cơ sở lập mới và chỉnh lý 209 phương án chữa cháy, diễn tập và phối hợp diễn tập 168 phương án chữa cháy và cứu nạn cứu hộ; mở 624 lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho trên 35.600 lượt người; điều động trên 750 lượt xe chữa cháy, xe chuyên dụng, xe cứu nạn, cứu hộ đến hiện trường trực tiếp cứu chữa 61 vụ cháy, xử lý 106 sự cố, cứu được 5 người; cứu hộ 6 vụ, cứu được 5 người.
Trả lời câu hỏi của phóng viên, Đại tá Nguyễn Tuấn Anh, Phó Giám đốc Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy cho biết: Qua công tác kiểm tra cơ bản cho thấy hiện trên địa bàn Hà Nội có 891 tòa nhà cao tầng. Trong đó có 779 công trình đã đi vào hoạt động và 112 công trình đang thi công. Nhìn chung, phần lớn các công trình đều tuân thủ tốt các quy định của pháp luật về Phòng cháy chữa cháy trong đầu tư xây dựng và được thẩm duyệt trước khi thi công và nghiệm thu đưa vào hoạt động. Tuy nhiên, sau một thời gian hoạt động, một số công trình đã nảy sinh nhiều bất cập như đường giao thông xung quanh bị tận dụng thành bãi đỗ xe, hàng quán, hệ thống báo cháy, họng nước, đèn chiếu sáng… không được bảo quản bị hư hỏng.
Trước dư luận về Hà Nội mua trực thăng phục vụ công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Thiếu tướng Hoàng Quốc Định cho biết: Đây là chủ trương cần thiết và hiện nhiều nước tiên tiến trên thế giới đã có. Dùng máy bay trực thăng không chỉ để chữa cháy mà còn đảm nhận cả công tác cứu nạn, cứu hộ trong nhiều trường hợp khác. Hà Nội được Chính phủ và Bộ Công an giao cho làm Đề án chung phát triển lực lượng Phòng cháy chữa cháy cơ sởtới năm 2025, tầm nhìn 2030. Trong đó, có nội dung đầu tư trang bị máy bay trực thăng. Tuy nhiên, trong điều kiện kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn, hạ tầng cơ sở chưa phù hợp với loại hình phương tiện này (nhà ga, bãi đỗ, phương tiện hỗ trợ, công tác duy trì bảo quản, diễn tập... đòi hỏi đầu tư rất lớn). Chính vì vậy, trước mắt Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy phối hợp với quân đội nếu có yêu cầu sử dụng tới trực thăng để chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Riêng với việc đầu tư mua sắm trực thăng, dự kiến của Đề án là phải tới giai đoạn năm 2025-2030.
Bài và ảnh: An Hà