Hà Nội thí điểm quản lý kinh doanh trái cây

.
Hiện nay, hầu hết các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn TP Hà Nội vẫn nhỏ lẻ, số lượng ít, chất lượng, nguồn gốc xuất xứ không được kiểm soát. Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2018 sẽ có 100% cửa hàng bán trái cây tại quận nội thành đăng ký kinh doanh; có biển hiệu và đầy đủ trang thiết bị bảo quản trái cây bảo đảm chất lượng...
Các cửa hàng kinh doanh trái cây phải bảo đảm 4 nhóm điều kiện: Thực hiện quy định pháp luật về điều kiện đầu tư kinh doanh thực phẩm; điều kiện nhân lực; điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị kinh doanh; điều kiện nguồn gốc, xuất xứ, tiêu chuẩn hàng hóa trái cây.
Theo Sở Công Thương Hà Nội, đặc điểm nhận diện các cửa hàng kinh doanh trái cây bảo đảm an toàn phải là cửa hàng chuyên kinh doanh trái cây và cửa hàng kinh doanh thực phẩm tổng hợp trong đó, có sản phẩm trái cây được cấp logo. Cơ sở kinh doanh trái cây phải có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh hoặc các giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương. Lộ trình thực hiện đề án được chia thành 3 giai đoạn: Từ tháng 10-2017 đến tháng 2-2018 sẽ hướng dẫn thủ tục, hỗ trợ chủ cơ sở, người kinh doanh trái cây bổ sung, hoàn thiện các điều kiện để được cấp giấy chứng nhận ATVSTP, xác nhận kiến thức ATTP, xác nhận cam kết đảm bảo ATTP và cải tạo, trang bị cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu quy định. Từ tháng 3-2018 đến tháng 12-2018 sẽ tập trung kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân kinh doanh trái cây không thực hiện đúng các quy định; kiên quyết giải tỏa các điểm kinh doanh trái cây lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, nơi công cộng; kinh doanh trái cây không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn thực phẩm; công khai danh sách các cửa hàng đảm bảo ATTP được cấp biển nhận diện; các tổ chức, cá nhân, địa điểm kinh doanh trái cây vi phạm quy định qua các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân và người tiêu dùng nắm rõ...
Về vấn đề hỗ trợ người bán hàng rong, cơ quan quản lý sẽ chia các nhóm đối tượng gồm: Nhóm kinh doanh tại các siêu thị, trung tâm thương mại; nhóm kinh doanh tại các chợ đầu mối và các khu chợ dân sinh; nhóm kinh doanh cá thể trên vỉa hè, bán rong ở lòng đường... dựa trên từng đối tượng cụ thể để có thời gian và biện pháp hỗ trợ. QUỐC HUY