Hà Nội - Thành phố ô nhiễm nhất Đông Nam Á!
Sáng 14.3, tiếp tục phiên họp thứ 31, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Phát biểu tại phiên họp, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng: “Tình trạng ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm không khí tại Hà Nội đang ở mức báo động”. Ông đề nghị Hà Nội phải coi đây là vấn đề nghiêm trọng nhất cần tập trung xử lý.
Tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội là một vấn đề dai dẳng và nghiêm trọng. Thành phố thường xuyên bị xếp hạng là một trong những thành phố ô nhiễm nhất Đông Nam Á.
Chỉ số chất lượng không khí (AQI) trung bình hàng năm ở Hà Nội là 100, được coi là mức “không tốt” và có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, đặc biệt là ở những người dễ bị tổn thương như trẻ em, người già và phụ nữ mang thai.
Các chất gây ô nhiễm chính là bụi mịn (PM2.5), phát sinh từ khí thải phương tiện, hoạt động công nghiệp và đốt chất thải nông nghiệp. Hà Nội là một trong những thành phố ô nhiễm PM2.5 nhất trên thế giới. Nồng độ PM2.5 trung bình hàng năm ở Hà Nội là 50 microgam trên mét khối (µg/m3), cao gấp 5 lần so với tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Nitơ dioxide (NO2) là một khí gây ô nhiễm không khí có thể gây ra các vấn đề về hô hấp, tim mạch và ung thư. Nồng độ NO2 trung bình hàng năm ở Hà Nội là 40 microgam trên mét khối (µg/m3), vượt quá tiêu chuẩn của WHO. Ozon (O3) là một loại khí gây ô nhiễm không khí có thể gây ra các vấn đề về hô hấp và tim mạch. Nồng độ O3 trung bình hàng năm ở Hà Nội là 80 microgam trên mét khối (µg/m3), cao gấp 2 lần so với tiêu chuẩn của WHO.
Thực ra, Hà Nội gần đây đã có một số diễn biến tích cực trong việc xử lý vấn đề ô nhiễm không khí; người dân đã biết thực hiện một số biện pháp để giảm thiểu phơi nhiễm ô nhiễm không khí, như đeo khẩu trang khi đi ra ngoài đường; Giữ cửa sổ và cửa ra vào đóng kín khi ô nhiễm không khí nghiêm trọng; Sử dụng máy lọc không khí trong nhà; trồng cây xanh xung quanh nhà để giúp lọc không khí.
Tuy nhiên các nỗ lực trên dường như vẫn “tụt hậu” so với mức độ độc hại do con người thải ra. Vậy phải làm thế nào? Nhìm sang “ông hàng xóm” Bắc Kinh, thì họ đã thực hiện một loạt các phản ứng chính sách nên đã giảm được ô nhiễm không khí trong một thời gian ngắn. Các phản ứng chính sách đó là: Thắt chặt tiêu chuẩn khí thải; Thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch; Tăng cường giám sát và thực thi.
Từ các phản ứng chính sách trên, một loạt giải pháp đã được đề ra.
Về giao thông, Bắc Kinh đã giới hạn số lượng xe chạy vào trung tâm thành phố vào những ngày ô nhiễm cao. Thành phố cũng đã khuyến khích người dân sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, đi xe đạp hoặc đi bộ thay vì đi ô tô.
Về công nghiệp, Bắc Kinh yêu cầu các nhà máy lắp đặt thiết bị kiểm soát ô nhiễm và giảm lượng khí thải. Thành phố cũng đã đóng cửa các nhà máy gây ô nhiễm nghiêm trọng và cấm đốt rác thải lộ thiên, đồng thời với xây dựng các nhà máy xử lý rác thải hiện đại để giảm thiểu lượng khí thải phát sinh từ hoạt động đốt rác thải.
Những biện pháp này đã giúp giảm đáng kể ô nhiễm không khí ở Bắc Kinh. Theo số liệu của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Trung Quốc, nồng độ PM2.5 trung bình hàng năm ở Bắc Kinh đã giảm từ 89,5 microgam trên mét khối vào năm 2013 xuống còn 35,5 microgam trên mét khối vào năm 2022. Mức này vẫn cao hơn tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nhưng đã giảm đáng kể so với trước đây.
Từ kinh nghiệm của Bắc Kinh, Việt Nam, mà trước hết là Hà Nội cũng nên có 3 phản ứng chính sách: Thắt chặt tiêu chuẩn khí thải; thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch; tăng cường giám sát và thực thi. Đồng thời với khuyến khích người dân sử dụng các phương tiện giao thông công cộng; Cải thiện hệ thống giao thông công cộng để người dân có nhiều lựa chọn hơn khi di chuyển; Đóng cửa các nhà máy gây ô nhiễm nghiêm trọng; Cấm đốt rác thải lộ thiên; Xây dựng các nhà máy xử lý rác thải hiện đại để giảm thiểu lượng khí thải phát sinh từ hoạt động đốt rác thải.
Vì thế mà chủ trương cấm xe máy sau năm 2030 của chính quyền Hà Nội là một bước đi đúng đắn, vì xe máy là một trong những nguồn gây ô nhiễm không khí chính ở Hà Nội, chiếm khoảng 30% lượng khí thải PM2.5.
Hiện nay, trên thị trường đã có xe máy điện và tự sản xuất được trong nước như Vinfast. Xe máy điện không gây ô nhiễm không khí. Vì vậy chính sách nói trên nên được điều chỉnh cho phù hợp.
Chính sách được điều chỉnh nên là: cấm toàn bộ xe máy chạy xăng trên địa bàn thành phố Hà Nội. Ngoài ra, để bảo đảm tính khả thi của phản ứng chính sách này, cần phải có cách tiếp cận đồng bộ, như có các biện pháp hỗ trợ người dân chuyển đổi phương tiện giao thông, chẳng hạn như trợ giá mua xe đạp điện, đi xe buýt, hoặc hỗ trợ làm thẻ vé tháng cho người sử dụng phương tiện giao thông công cộng; cải thiện hệ thống giao thông công cộng để người dân có nhiều lựa chọn hơn khi di chuyển.
Việc thực hiện các biện pháp chính sách nói trên sẽ đòi hỏi sự cam kết và nỗ lực của cả Chính phủ, cả Chính quyền thành phố Hà Nội và cả người dân. Chính phủ và Chính quyền thành phố cần có kế hoạch cụ thể và nguồn lực cần thiết để thực hiện các biện pháp nói trên. Người dân cần thay đổi thói quen và hành vi của mình để góp phần giảm thiểu ô nhiễm không khí.
TS. Nguyễn Sĩ Dũng