Hà Nội sẵn sàng cho năm học mới
Sở Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức bồi dưỡng cho 14.900 lượt cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên các trường trực thuộc Sở và giáo viên cốt cán của các trường thuộc quận, huyện, thị xã. Đến thời điểm hiện tại, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên của ngành giáo dục Thủ đô đã đảm bảo về số lượng, cơ cấu, được trang bị những kiến thức và kỹ năng cần thiết đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ năm học mới.
Sở đã có văn bản số 5929/SGD&ĐT-KHTC gửi UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị trực thuộc về thực hiện thu chi học phí và các khoản thu khác. Theo đó, năm học 2015 - 2016 Hà Nội giữ nguyên mức học phí. Cụ thể là 40.000 đồng/tháng/HS đối với các trường ở thành thị, 20.000 đồng/tháng/HS đối với các trường khu vực nông thôn. Đối với các khoản thu khác, tiếp tục thực hiện theo Quyết định 51/2013/QĐ-UBND ngày 22/11/2013 của UBND TP Hà Nội. Sở sẽ tiến hành thống nhất các khoản thu khác của các trường trực thuộc, thời gian từ ngày 19 – 25 tháng 9. UBND các quận, huyện, thị xã có trách nhiệm thỏa thuận thống nhất bằng văn bản về mức thu khác của các cơ sở giáo dục công lập theo phân cấp quản lý và tổng hợp báo cáo về Sở trước ngày 15-10. Thời gian tổ chức lễ khai giảng ở tất cả các trường của Hà Nội từ 7 giờ 30 - 8 giờ 30, ngày 5-9. Cụ thể, đúng 7h30 chào cờ Tổ quốc, hát quốc ca (tổ chức theo nghi thức quy định, tất cả đại biểu, cán bộ, giáo viên, học sinh dự lễ chào cờ đều hát quốc ca). Sau đó là nghi thức tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu; Đọc thư của Chủ tịch nước gửi cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh nhân ngày khai trường. Hiệu trưởng nhà trường tuyên bố khai giảng năm học mới; đánh trống khai trường; Tổ chức các hoạt động tập thể như văn hóa văn nghệ, thể thao, trò chơi dân gian…
Trả lời các câu hỏi của phóng viên về việc xét tuyển học sinh vào lớp 6; cô giáo Lê Kim Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Cầu Giấy cho biết: Xét tuyển đã giảm áp lực học thêm và không có cuộc chạy đua thi vào lớp 6 của học sinh và phụ huynh; xét tuyển làm cho chất lượng học sinh toàn diện hơn. Trường THCS Cầu Giấy đã thực hiện nghiêm túc, đúng tiêu chí, rõ ràng và công khai.
Về các khoản thu cho năm học mới; ông Nguyễn Viết Cẩn, Trưởng phòng Kế hoạch tài chính cho biết, theo quyết định 51 của Ủy ban nhân dân Hà Nội về thu, sử dụng các khoản thu trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập thì có 10 khoản cha mẹ phải đóng góp vào đầu năm học.10 khoản thu gồm: Bán trú trong các trường có tổ chức học (tiền ăn, chăm sóc và trang thiết bị); Học 2 buổi/ngày trong các trường tiểu học, trung học cơ sở; Học phẩm học sinh trong các trường mầm non; Nước uống tinh khiết; Bảo hiểm y tế; Dạy thêm, học thêm trong các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông; Viện trợ, quà biếu, tặng cho; Tài trợ theo thông tư 29 của Bộ Giáo dục; Đóng góp tự nguyện để sửa chữa nhỏ hoặc mua sắm trang thiết bị của nhà trường; Quần áo đồng phục, quần áo thể thao, phù hiệu. Liên quan đến kinh phí cải tạo, sửa chữa một phòng học lên đến khoảng 500 triệu/phòng (sửa chửa, cải tạo 904 phòng học với số tiền gần 470 tỷ đồng; xây mới 1.153 phòng học với số tiền gần 657 tỷ đồng), ông Nguyễn Viết Cẩn cho rằng, số tiền 500 triệu không chỉ cho việc sửa chữa mà còn cải tạo sân chơi, thoát nước, quét vôi ve hàng rào…. Phó Giám đốc Sở Nguyễn Hiệp Thống cũng cho rằng, việc ghi sửa chữa, cải tạo lớp học gây hiểu chưa toàn diện, nếu ghi đầy đủ phải là sửa chữa trường học và các hạng mục khác.
Về chức danh Chủ tịch Hội đồng tự quản, ông Nguyễn Chí Dũng, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học cho biết: Sở Giáo dục cho biết thành phố đã thí điểm được 3 năm nay nhưng chỉ áp dụng với các trường theo mô hình trường học mới chứ không áp dụng đại trà. Năm học trước có 58 trường áp dụng mô hình này và năm nay sẽ nâng lên 114 trường. Chức danh Chủ tịch giúp học sinh tự tin, đối thoại thoái mái, dân chủ trong bàn bạc trao đổi tiếp thu bài.
Về học sinh Tiểu học không thực hiện chấm điểm, vẫn ông Nguyễn Chí Dũng khẳng định: Tuy không có điểm nhưng chất lượng không những được giữ vững mà còn có phàn nâng cao hơn.
An Hà