Hà Nội, hàng Việt Nam ngày càng được yêu thích
Trong quý I-2016, Sở Công Thương đã ban hành và tổ chức triển khai các kế hoạch của ngành, với mục tiêu chuẩn bị tốt nhất các điều kiện để mọi người dân trên địa bàn Thành phố được tiếp cận với nhiều mặt hàng, đảm bảo ổn định giá, an toàn vệ sinh thực phẩm. Tổ chức hội nghị với Phòng Kinh tế 30 quận, huyện, thị xã và doanh nghiệp, ban quản lý chợ trên địa bàn để quán triệt và triển khai các kế hoạch nhằm đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.Cụ thể, trong dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, ước tổng lượng hàng hóa thiết yếu trên địa bàn đạt khoảng 21.600 tỉ đồng. Thành phố tổ chức 47 hội hoa xuân, chợ nông sản thực phẩm, hội chợ xuân; tổ chức 9 trung tâm bán hàng phục vụ Tết tại 9 huyện, khu công nghiệp để phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân với quy mô từ 60-70 gian hàng/điểm; tổ chức 184 chuyến bán hàng lưu động tại 18 huyện, thị xã; triển khai bán hàng bình ổn giá tại 1.165 điểm bán hàng. UBND các quận huyện thị xã giới thiệu 65 địa điểm để các doanh nghiệp tổ chức địa điểm bán hàng bình ổn giá phục vụ nhân dân… Đồng thời Thành phố cũng hỗ trợ lãi xuất sau đầu tư cho 11 doanh nghiệp, trong đó có 8 doanh nghiệp sản phẩm công nghiệp chủ lực. Tổ chức Tháng vì quyền Người tiêu dùng, thu hút hơn 40 doanh nghiệp với trên 300 điểm bán hàng vì người tiêu dùng. Hàng Việt Nam ngày càng được người tiêu dùng yêu thích.
Trong công tác quản lý thị trường, 3 tháng đầu năm 2016, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra 2.132 vụ, xử lý 2.107 vụ, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2015, tổng số tiền thu nộp gần 31,5 tỷ đồng, trong đó, xử phạt hành chính 14,5 tỷ đồng; trị giá hàng tịch thu hơn 6,3 tỷ đồng; trị giá hàng tiêu hủy hơn 8 tỷ đồng; trị giá hàng tái xuất, chuyển đổi mục đích sử dụng hoặc loại bỏ yếu tố vi phạm gần 2,6 tỷ đồng.
Tuy nhiên, bà Lê Thị Kim Oanh cho rằng, còn một số doanh nghiệp chưa quan tâm đến công tác thông tin tuyên truyền, quảng bá về sản phẩm hàng hóa của đơn vị mình đến đông đảo người tiêu dùng; chưa quan tâm đến việc bảo vệ thương hiệu nhãn mác của sản phẩm, hàng hóa. Trên thị trường vẫn xảy ra những vụ buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, thực phẩm không an toàn dẫn đến giảm lòng tin của người tiêu dùng. Từ nay đến cuối năm, Ban Chỉ đạo Cuộc Vận động Thành phố, các sở, ban, ngành, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động các quận, huyện, thị xã tiếp tục đổi mới phương thức tuyên truyền cuộc vận động đến các doanh nghiệp, người tiêu dùng với nhiều nội dung phong phú, hình thức đa dạng, hướng tới 100% người dân và doanh nghiệp biết đến Cuộc vận động. Đưa hàng Việt tới tay người tiêu dùng là nhiệm vụ chính trị…
An Hà