Hà Nội công bố quy hoạch bảo tồn làng cổ Đường Lâm
Khu vực nghiên cứu lập quy hoạch thuộc địa giới hành chính năm thôn Mông Phụ, Đông Sàng, Cam Thịnh, Đoài Giáp, Cam Lâm và một phần đồng ruộng thuộc xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây; phía Bắc giáp Quốc lộ 32, phía Đông giáp đất nông nghiệp và thôn Phụ Khang xã Đường Lâm, phía Nam giáp Đồi Hổ Gầm xã Đường Lâm và phía Tây giáp xã Cam Thượng, huyện Ba Vì.
Với quy mô hơn 164ha ranh giới nghiên cứu lập quy hoạch trùng với ranh giới vùng bảo vệ hai của di tích làng cổ Đường Lâm. Trong đó, phạm vi quy hoạch bảo tồn trọng tâm nằm trong ranh giới quy hoạch thôn Mông Phụ là 14,6 ha. Quy mô dân số dự kiến đến năm 2020 đạt 7.000 dân và khách du lịch khoảng 200.000 khách/năm.
Nội dung quy hoạch bao gồm bảy nội dung chính: quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích; quy hoạch tổng hợp mặt bằng sử dụng đất; quy hoạch tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan và thiết kế đô thị; quy hoạch hệ thống hạ tầng; phân kỳ đầu tư; tổ chức hoạt động du lịch; quy định quản lý.
Quy hoạch sẽ nghiên cứu và đánh giá thống nhất giá trị của làng cổ ở Đường Lâm nhằm gìn giữ nguyên vẹn và đầy đủ các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, giá trị lịch sử của khu làng cổ; xác định phương án bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị khu di tích, đề xuất các giải pháp quản lý bảo vệ và khai thác hiệu quả, phát huy giá trị khu làng cổ đúng cấu trúc và phát triển kinh tế địa phương kết hợp bảo vệ môi trường.
Bên cạnh việc xác định phương án bảo tồn, tôn tạo gắn liền với phát huy và phát triển, hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật của khu di tích, khu vực dân cư thuộc khu di tích và lân cận đảm bảo sự phát triển bền vững, phát triển kinh tế địa phương theo hướng dịch vụ du lịch; quy hoạch còn xây dựng các chương trình, kế hoạch ngắn hạn và dài hạn phương thức bảo tồn tôn tạo di tích, xác định các dự án đầu tư ưu tiên thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia bảo tồn, tôn tạo khu di tích, đồng thời làm cơ sở tổ chức quản lý, khai thác, phát huy các giá trị để phát triển kinh tế xã hội và đáp ứng điều kiện phát triển mới. Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo, phát huy di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia cần tiếp cận và hướng tới sẽ là di tích lịch sử văn hóa quốc gia đặc biệt và di sản văn hóa thế giới theo lộ trình khả thi và phù hợp.
TH