Hà Nội, Chủ động phòng chống thiên tai
Tần suất các cơn bão ảnh hưởng đến khu vực Hà Nội có xu thế tăng; các loại hình thiên tai như: Mưa lũ lớn, hạn hán, sạt lở đất, nắng nóng diễn ra nghiêm trọng hơn. Để chủ động phòng, chống, ứng phó kịp thời và có hiệu quả, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội của Thủ đô, các quận, huyện, thị xã cần làm tốt một số nội dung sau:
- Kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình đê điều, hồ, đập, công trình thủy lợi, công trình phòng chống thiên tại trước mùa mưa bão.
- Xây dựng phương án bố phòng, hội đê, bảo đảm an toàn hồ đập, công trình thủy lợi; phương án phòng chống úng, khắc phục hậu quả phục hồi sản xuất nông nghiệp, phương án ứng phó với bão mạnh, siêu bão, phương án ứng phó với thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai, tập trung chỉ đạo khẩn trương hoàn thành công tác tu bổ, xử lý hư hỏng đê điều, hồ đập, nạo vét kênh mương đản bảo chất lượng, tiến độ quy định.
- Bố trí kinh phí, chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện, các điều kiện đảm bảo để thực hiện phương án phòng, chống thiên tai theo phương châm 4 tại chỗ; tổ chức tập huấn, hiệp đồng, thực hành triển khai các phương án xử lý sự cố do thiên tai gây ra ngay từ giờ đầu.
- Thường xuyên kiểm tra, rà soát các tuyến đê, các công trình thủy lợi, hồ đập, phát hiện, tham mưu đề xuất và xử lý kịp thời những sự cố hư hỏng; tổ chức kiểm tra, rà soát vật tư, phương tiện dự trữ cả về số lượng và chất lượng, có phương án mua bổ sung thay thế vật tư, phương tiện đã hết hạn sử dụng, hư hỏng để bảo đảm huy động kịp thời xử lý các tình huống thiên tai xảy ra.
- Kiểm tra đôn đốc, phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm Luật Đê điều, Luật Phòng chống thiên tai, Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình Thủy lợi…
Bên cạnh nội dung trên, các quận, huyện, thị xã, phường, xã, thị trấn ven đê cần chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan ngăn chặn và xử lý có hiệu quả các trường hợp vi phạm pháp luật về đê điều ngay từ khi mới phát sinh. Đối với các hộ vi phạm Luật Đê điều, ban chỉ đạo cấp xã lập danh sách và tiến hành vận động, thuyết phục. Xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm Luật Đê điều như làm nhà kiên cố, nhà cấp 4, công trình phụ, đào xẻ đê, làm dốc lên đê, chứa vật tư chất thải lên đê, hành lang bảo vệ đê điều và hành lang thoát lũ... Đồng thời, huy động mọi nguồn lực, sự tham gia của toàn xã hội, nâng cao năng lực phòng, chống, ứng phó, nhằm hạn chế, giảm nhẹ những thiệt hại có thể xảy ra. Bảo đảm thực hiện 3 mục tiêu: An toàn hệ thống đê điều, hồ đập và các công trình thủy lợi; an toàn về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân, ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; khắc phục nhanh hậu quả và hạn chế tối đa thiệt hại do thiên tai
Trả lời lời các câu hỏi của phóng viên, ông Hà Đức Trung, Phó giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội cho biết: Năm 2017, Hà Nội còn 3 trọng điểm là: Cống Liên Mạc (Bắc Từ Liêm), Xuân Canh (Đông Anh) và Vân Cốc (Phúc Thọ) và 10 điểm xung yếu là: Kè Thượng (Ba Vì), thị xã Sơn Tây, kè Liên Trì (Đan Phượng), kè An Cảnh (Thường Tín), kè Quang Lạn (Phú Xuyên), Cống Cẩm Đình, kè Thanh Am – Tình Quang Long Biên), kè Đổng Viên và Trung Màu (Gia Lâm) và cống Cẩm Hà (Sóc Sơn). So với năm 2016 giảm 1 trọng điểm và tăng 2 vị trí xung yếu. Nguyên nhân do trọng điểm kè Thanh Am - Tình Quang (quận Long Biên), năm 2016 đã hoàn thành đầu tư, đưa vào sử dụng nhưng chưa được thử thách với lũ cao, hạ xuống mức vị trí xung yếu để tiếp tục theo dõi. Ngoài ra, nhiều tuyến đê của Hà Nội đang bị xâm hại nghiêm trọng do xe quá tải trọng lưu thông, chất tải vật liệu xây dựng, xây dựng công trình.
An Hà