Hà Nội: Các bệnh viện khẩn cấp ứng phó với sốt xuất huyết
Tập trung giảm tải cho ngành truyền nhiễm
"Nếu quá tải bệnh nhân (BN), Khoa Da liễu sẽ bố trí dành ra 1 cơ số buồng bệnh để luân chuyển BN từ Khoa Truyền nhiễm về điều trị; các chuyên khoa cần chủ động giải quyết các tình trạng nhiễm trùng tại chỗ để giảm tải cho Khoa Truyền nhiễm tập trung tiếp nhận, cấp cứu và điều trị cho BN SXH Dengue; Khoa Dược cần tiên lượng và dự trù đủ lượng dịch truyền và các thuốc phối hợp trong điều trị SXH; Phòng Hành chính Quản trị khảo sát, bổ sung thêm cáng, giường bệnh không để tình trạng BN đến không có giường cấp cứu; Phòng Công tác xã hội chủ động in ấn tờ rơi, áp phích, chiếu các clip-phóng sự hướng dẫn tuyên truyền cho người bệnh về kỹ năng phòng, chống SXH…" - PGS.TS Nguyễn Quốc Anh - Giám đốc BV Bạch Mai cho biết.
Theo dự báo, tình hình dịch SXH từ nay đến cuối năm còn diễn biến phức tạp khó lường, nguy cơ gia tăng vì năm nay lượng mưa lớn, xảy ra trên diện rộng; tốc độ đô thị hóa tiếp tục tăng tạo điều kiện cho muỗi phát triển, năm 2017 SXH có thể bùng phát thành dịch lớn nếu không có phương án chủ động ứng phó.
Bố trí khu điều trị riêng, kê thêm giường bệnh
Theo số liệu thống kê tại khoa Các bệnh Nhiệt đới, BV đa khoa Hà Đông từ đầu năm đến nay khoa đã điều trị nội trú cho 600 trường hợp SXH, trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 50 người bệnh sốt đến khám và điều trị, trong đó có khoảng 20 người bệnh được chẩn đoán SXH.
BSCKII. Nguyễn Thị Cương - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, BVĐK Hà Đông cho biết: Hiện nay dịch SXH đang bùng phát mạnh, và hiện trạng quá tải tại khoa Các bệnh Nhiệt đới do vậy phòng Kế hoạch tổng hợp phối hợp cùng các khoa, phòng khác nhằm giảm thiểu tình trạng quá tải. Bên cạnh đó, phân luồng bệnh nhân tại Khoa Các bệnh Nhiệt đới, bổ sung nhân lực, và giường bệnh giúp người bệnh được hưởng quyền lợi và dịch vụ tốt nhất khi thăm khám, điều trị tại BV".
Theo ThS.BS Nguyễn Trung Cấp- BV Bệnh nhiệt đới T.Ư - nơi tiếp nhận khoảng 1.000 BN SXH đến khám mỗi ngày, trước tình hình dịch bệnh SXH gia tăng như hiện nay, nhân viên y tế phải làm việc hết công suất để phục vụ người bệnh. Để chống dịch, các bác sĩ đã phải làm ngoài giớ, làm việc cả ngày nghỉ, hủy bỏ nghỉ phép, tuân thủ mọi lệnh điều động đáp ứng cho nhu cầu khám chữa của người bệnh.
Các bác sĩ khuyến cáo, SXH là bệnh chưa có vắc-xin và thuốc điều trị đặc hiệu, do đó biện pháp phòng chống hiệu quả là diệt muỗi, bọ gậy. Đặc điểm của muỗi truyền virus gây bệnh SXH thường sống ở đô thị, gần người, trong nhà hoặc quanh nhà. Chúng hoạt động mạnh vào sáng sớm và buổi chiều tối. Nếu trong nhà có người bị SXH, người dân cần thực hiện ngay các biện pháp tránh bị muỗi đốt (như nằm màn, bôi kem chống muỗi, dùng nhang hoặc phun hoá chất diệt muỗi...), đồng thời vệ sinh môi trường, không để các vật dụng chứa nước đọng là nơi muỗi đẻ trứng.
SXH có biểu hiện ban đầu giống hệt các triệu chứng sốt virus khác nên nhiều người chủ quan tự điều trị tại nhà. Thậm chí nhiều người tự ý truyền dịch và dùng kháng sinh, điều này có thể nguy hiểm đến tính mạng. Dù SXH là bệnh tự khỏi trong vòng 7 ngày, nhưng khoảng 5% bệnh nhân sẽ có biểu hiện nặng như chảy máu hoặc thoát huyết tương gây sốc do giảm tiểu cầu, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ có nguy cơ gây tử vong.
Thành An