Nếu đi từ vùng núi Bà Vì về nội đô và ra bờ sông Hồng, không ít kiểu công trình nhà hàng, “biệt phủ”, villa, nghỉ dưỡng homestay mọc lên... như nấm.

Những ngày giữa tháng 6 oi nóng, chúng tôi có mặt tại xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, T.P Hà Nội, tận mắt chứng kiến một loạt công trình villa, biệt thự, homestay... được xây dựng hoành tráng tại thôn Cố Đủng. Những cái tên như “Nhà của tớ Homstay”, “Suối Ngọc Homstay”... Kế cạnh đó là một khu đất cũng đang dựng xây với mô hình nhà kiểu Homstay chưa có tên biển. Gần đó có một villa tầm cỡ cũng được xây dựng hoành tráng.

Theo một người dân bản địa cho biết, những Homstay đều là người trên phố về mua đất và dựng lên. Chỉ tính riêng “Nhà của tớ Homstay” có diện tích ước chừng hơn 1ha đất. Từ phía cổng Khu du lịch Suốc Ngọc Vua Bà “chết yểu” nhìn sang, mới thấy hết tầm cỡ của “Nhà của tớ Homstay” đến cỡ nào.

Ghi nhận, khu “Nhà của tớ Homstay” có khoảng 5 đến 7 công trình nhà nghỉ - to có, nhỏ có, với sức chứa từ 2 người đến vài chục người một căn nhà. Tại khu này cũng có sân bóng mini, hồ bơi, suối chảy, đường dạo bộ…

Một nhân viên khi chúng tôi tiếp cận cho biết: Muốn đặt phòng ở đây phải đặt trước hàng tháng. Vì đến thời điểm này thì khách đã đặt kín chỗ đến tận tháng 8 rồi.

Theo vị Chủ tịch UBND xã Tiến Xuân thì toàn bộ khu Homstay tại thôn Cố Đủng, về nguồn gốc đất trước đây khi còn là tỉnh Hoà Bình, đã được cấp 4 sổ đỏ, trong đó có diện tích đất ở mỗi sổ là 400m2, còn lại là đất trồng cây.

Vị Chủ tịch xã Tiến Xuân còn tiết lộ, sau khi sáp nhập về Hà Nội, chủ của "Homstay Nhà của tớ" đã đổi thành 1 sổ và thành phố chỉ cấp cho 1.200m2 đất ở.

Vị này cũng thông tin là các khu nhà xây đến thời điểm hiện tại vẫn chưa xây hết diện tích đất ở. Nhưng vấn đề đặt ra là, ngoài đất ở thì đất còn lại của “Nhà của tớ Homstay” và các công trình gần đó là đất gì, quá trình chuyển đổi ra sao… thì vị chủ tịch xã Tiến Xuân nại lý do đang họp, đề nghị PV để lại câu hỏi sẽ làm việc sau…

Rời vùng đất đồi núi Tiến Xuân, dạo qua con phố Chương Dương Độ, thuộc địa bàn dân cư Bạch Đằng 2 (phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm), ra gần phía bờ sông Hồng, sẽ tận mắt nhìn thấy khu nhà nổi hoành tráng. Phía ngoài cổng còn treo biển tên Nhà hàng Kiều Gia, bên trên là dòng chữ Bến tàu Du lịch sông Hồng. Đi khoảng 10m trên cầu tàu là công trình nhà nổi đã hoàn thiện có diện tích khoảng hơn trăm mét vuông, kế đó phía ngoài là một công trình đang trong quá trình xây dựng trên phương tiện thủy được neo cố định giống như những nhà nổi ở Hồ Tây. Đi thêm 20m cầu tàu xuôi về phía hạ nguồn xuất hiện một công trình nhà nổi khác đã hoàn thiện trưng thêm một biển Nhà hàng Kiều Gia. Khu nhà nổi này được dựng thành 2 tầng, có các phòng riêng, khu vui chơi cho trẻ. Nhà hàng này quảng cáo có sức chứa lên đến 400 khách.

Kế tiếp nhà hàng Kiều Gia xuất hiện công trình có kiến trúc cổ, giống “biệt phủ”. Những người dân ở đây cho biết, công trình này là nhà ở tư nhân của công ty có tên là Hoàng Kim. Đến gần, phía cổng có hai tấm đá lớn dựng đứng hình trụ, tường vào được dựng bằng hàng cây xanh mướt, phía lòng sông được chủ nhà dựng cầu phía trên treo đèn lồng, nối vào sảnh chính. Công trình được dựng trên một phương tiện thủy có diện tích khoảng 200m2, kiểu nhà sàn bằng gỗ, 4 mái kiên cố. Hai bên được chủ nhà dựng thêm hai phân khu phụ trợ nhỏ hơn, có kết cấu tương đối giống với khu chính, mỗi khu có diện tích vài chục m2.

Đi về phía cầu Long Biên, đoạn sát bờ sông Hồng địa phận phường Ngọc Thụy (Long Biên) cũng xuất hiện 3 nhà hàng: Sông Hồng View, Phương Linh, Bếp Ngư Ông. Ước chừng mỗi nhà hàng có diện tích hàng trăm mét vuông được dựng trên một chiếc tàu cũ cỡ lớn được neo cố định và trên các thùng phuy nhựa. Lối dẫn vào nhà hàng từ phía đường Ngọc Thụy, khu vực bờ sông thuộc tổ dân phố 2. Các nhà hàng này hoạt động từ trưa, chiều, đến đêm... Thực hư các công trình xây dựng có giấy phép hay không phép, chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin...

Tư Hoành