Hà Nội: bảo đảm nhiều hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Đinh Dậu - 2017
Trên cơ sở xác định số dân (trên 7,3 triệu người Thủ đô và hơn 3 triệu người sinh sống thường xuyên và về Hà Nội tham quan, mua sắm), thu nhập của người dân trong năm 2016 (tăng từ 7-9% so với năm trước), sức mua trên thị trường, nhu cầu và khả năng cung ứng hàng hóa của các đơn vị sản xuất kinh doanh trên địa bàn cần dự trữ bảo đảm nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết; Sở Công thương xác định nhu cầu và nguồn cung một số mặt hàng phục vụ Tết là: 88.000 tấn gạo (tăng 5-7% so với các tháng thường); 15.300 tấn thịt lợn hơi (tăng 18-20%); 4.600 tấn thịt bò (tăng 15%); 6.400 tấn thịt gà (tăng 25%), 5.500 tấn thủy hải sản, 5.500 tấn thực phẩm chế biến, 91.600 tấn rau củ... Các mặt hàng như rau củ; trứng gà, vịt; bánh mứt kẹo; rượu, bia, nước giải khát cũng đều tăng từ 15-25% so với các tháng thường. Ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn đạt khoảng 23.500 tỷ đồng (tăng khoảng 10% so với kế hoạch dự trữ hàng hóa Tết năm 2016).
Để bảo đảm nguồn hàng, cung ứng hàng hóa, Sở Công thương phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức các điểm bán hàng phục vụ nhân dân trong dịp cuối năm 2016 như tổ chức 18 phiên chợ Việt, trên 300 chuyến hàng lưu động tại 18 huyện, thị xã và các khu công nghiệp; tổ chức 4 tuần hàng Việt tại thị xã Sơn tây, các huyện Thanh Trì, Quốc Oai, Thường Tín... Sở Công thương tổng hợp và trình UBND TP tạo điều kiện cấp phép cho 102 xe chở hàng hóa thiết yếu, xăng dầu hoạt động 24/24 giờ trong khu vực nội thành, bảo đảm lưu thông hàng hóa thiết yếu phục vụ dân sinh.
Kết quả kiểm tra, kiểm soát thị trường dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu, từ ngày 15-11 đến 16-12-2016, Chi cục Quản lý thị trường kiểm tra 1.066 vụ, xử lý 824 vụ vi phạm (trong đó số vụ vi phạm về ATTP chiếm tỷ lệ cao nhất với 208 vụ; 191 vụ vi phạm về hàng lậu; 107 vụ vi phạm về hàng giả, sở hữu trí tuệ; 50 vụ vi phạm về đo lượng chất lượng...) tổng thu 9,356 tỷ đồng (gồm: phạt hành chính 4,508 tỷ đòng; trị giá hàng hóa tịch thu 2,761 tỷ đồng; trị giá hàng hóa buộc tiêu hủy 2,059 tỷ đồng; trị giá hàng hóa chuyển đổi 0,028 tỷ đồng).
Phó Giám đốc Trần Thị Phương Lan khẳng định: Các lực lượng chức năng sẽ tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm tại các nhà hàng, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại... với các mặt hàng thực phẩm, bánh mứt kẹo, bia, rượu, nước giải khát... nhằm ngăn chặn việc vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu tại các cửa hàng kinh doanh lớn, các điểm tập kết chứa hàng lậu, kho tàng, bến bãi. Kiểm tra vi phạm xuất xứ hàng hóa, giả mạo hàng Việt Nam, hàng hóa quá hạn sử dụng, sửa hạn sử dụng; Tiếp tục kiểm tra, kiểm soát hàng nhập lậu, hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp tại các tuyến phố chuyên doanh trên địa bàn TP, tập trung vào các mặt hàng như quần áo, giầy dép, túi xách, vải may mặc, thuốc tân dược, rượu, bia, mũ bảo hiểm..." - bà Lan khẳng định.
Cũng tại buổi giao ban, bà Nguyễn Thị Hải Thanh, Phó TGĐ Tổng công ty Thương mại Hà Nội cho biết; Tổng công ty xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa với tổng giá trị ước tính khoảng trên 1.200 tỷ đồng (tăng 5% so với Tết 2016). Tổng công ty giao nhiệm vụ cho các Công ty thành viên, đơn vị trực thuộc… nâng cao chất lượng dịch vụ và tổ chức kinh doanh tại 61 địa điểm thuộc hệ thống bán lẻ (gồm các siêu thị, cửa hàng tiện ích và các cửa hàng chuyên doanh điện máy, thời trang…, cửa hàng ăn uống dịch vụ… trong đó có 32 địa điểm bán hàng bình ổn giá).
Trước Tết Nguyên đán 2 tuần, các địa điểm kinh doanh của Tổng Công ty tăng thêm giờ bán hàng phục vụ đến 21h30. Riêng ngày 28, 29 Tết mở cửa đến 22h và căn cứ vào tình hình thực tế, ngày 30 Tết các địa điểm sẽ tiếp tục kéo dài thêm thời gian kinh doanh, bán hàng để phục vụ người dân.
Trong ngày mùng 1 Tết, Tổng công ty có 5 địa điểm bán hàng khu vực bờ Hồ Hoàn Kiếm. Từ ngày mùng 2, ngoài 5 địa điểm bán hàng ngày mùng 1, Tổng công ty có thêm 7 siêu thị, cửa hàng tiện ích để phục vụ nhân dân. Từ ngày mùng 4 tết các cửa hàng họat động bình thường.
An Hà