Hà Nam: Hộ nghèo, người khuyết tật nguy cơ… không chốn nương thân

Đi chữa bệnh bị… mất suất ruộng!
Theo đơn phản ánh của anh Nguyễn Ngọc Khang (sinh năm 1974), trú tại thôn Văn Nội, xã Nhân Hưng (Lý Nhân - Hà Nam), gia đình anh có 8 anh chị em và bố mẹ. Thực hiện Nghị định 64/CP về chia đất canh tác cho người dân, nhà anh được chia 4 suất ruộng. Thời điểm năm 1992, không may anh vướng vào trọng bệnh, phải lên Hà Nội chạy chữa nên vắng nhà. Chữa trong nước không khỏi, gia đình phải đưa anh sang CHLB Đức điều trị bệnh. Bố mẹ anh cũng đi theo để phục vụ. Khi khỏi bệnh về quê, thì bố mẹ anh và bản thân anh Khang không được chia suất ruộng nào.
Lý do được chính quyền xã thời điểm đó giải thích là những ai vắng mặt tại địa phương quá 6 tháng thì không được chia ruộng. Nhưng theo anh Khang, ở thôn Lao Hạ (cùng xã Nhân Hưng), một số trường hợp cũng vắng mặt tại địa phương trong thời điểm giao đất, nhưng khi quay về vẫn được chia đất canh tác…
Năm 1997, do bà Nguyễn Thị Nhắm (mẹ đẻ anh Khang) liên tục khiếu nại, UBND xã Nhân Hưng đã chia trả cho bố mẹ anh 2 suất ruộng (mỗi suất tương đương 2 sào 7 thước) tại xứ đồng Ao (thôn Vân Nội) để canh tác. Do hoàn cảnh nghèo khổ, bản thân lại tàn tật, không có chỗ ở nên năm 2015, anh Khang đã “đánh liều” dựng tạm căn chòi ra mảnh đất nông nghiệp của bố mẹ anh được chia để lấy chỗ nương thân cho tổ ấm của mình là vợ và 2 đứa con gái nhỏ…

“Ưu ái” người nhà “quan” địa chính?
Theo tìm hiểu của chúng tôi, xứ đồng Ao vốn là đất quỹ 2 do UBND xã Nhân Hưng quản lý đã được cấp có thẩm quyền quy hoạch thành khu vực đất giãn dân. Từ năm 1999 đến 2006, một số hộ gia đình như Lê Văn Đãi, Lê Thăng Bình, Lê Quang Song, Lê Văn Huy, Lê Thị Điệp, Lê Xuân Hiền, Nguyễn Xuân Toán, Nguyễn Xuân Chiêu đã được cấp đất giãn dân để ở (cạnh khu đất gia đình anh Khang đang dựng lều ở tạm). Bình quân mỗi hộ được cấp 180m2.
Anh Khang cho biết, thời điểm năm 2006, vợ chồng anh đã có đơn xin cấp đất giãn dân nhưng không được giải quyết. Trong khi những hộ ông Lê Văn Đãi, Lê Thăng Bình, Lê Quang Song, Lê Văn Huy… lại được “ưu ái”.
Trao đổi với chúng tôi, nhiều người dân thôn Vân Nội còn cho biết: Các ông Lê Văn Đãi, Lê Thăng Bình, Lê Quang Song, Lê Văn Huy, Lê Thị Điệp, Lê Xuân Hiền đều là anh em ruột và họ hàng với ông Lê Văn Đoàn - cán bộ địa chính xã Nhân Hưng. Ngoài ra, ông Lê Văn Đoàn còn bị người dân địa phương tố cáo, lợi dụng chức vụ cán bộ địa chính, lấn chiếm đất công, phá vỡ mương máng làm ao - dù mương máng mới được làm năm 2013 từ nguồn đóng góp của người dân…
Trả lời PV Báo CCB Việt Nam, ông Nguyễn Đình Long - Chủ tịch UBND xã Nhân Hưng thừa nhận: Những người được chia đất tại khu giãn dân ở khu đồng Ao (thôn Vân Nội) hầu hết đều là anh em, họ hàng của ông Lê Văn Đoàn (cán bộ địa chính xã). Nhưng trước hàng loạt câu hỏi xung quanh quy hoạch sử dụng đất khu vực đồng Ao cụ thể ra sao, tiêu chí được cấp đất giãn dân ở địa phương quy định như thế nào, chuyện ông Lê Văn Đoàn phá vỡ mương máng và có dấu hiệu lấn chiếm đất công, chuyện hộ ông Khoẻ (người thôn Điện Bàn) nhưng lại được cấp đất ở thôn Ốc Bắc… đều không được ông Nguyễn Đình Long giải thích thoả đáng và thấu đáo. Ông Long đều nại lý do rằng do ông mới nhận chức Chủ tịch UBND xã từ tháng 6 năm ngoái nên việc các đời chủ tịch tiền nhiệm đã thực hiện như thế nào ông không nắm rõ…
Về việc ông Khang không được chia đất canh tác (theo Nghị định 64/CP), ông Long cho rằng: Theo quy định của địa phương, thời điểm này nếu ai vắng mặt tại địa phương quá 6 tháng sẽ không được chia đất canh tác!
Ông Long cũng xác nhận bản thân vợ chồng anh Khang, chị Thủy không có đất thổ cư (đất ở) ở địa phương. “Trên địa bàn xã nhiều cặp vợ chồng cũng rơi vào trường hợp không có đất thổ cư như vợ chồng anh Khang, chị Thủy” - ông Long cho biết tiếp.

Cần có giải pháp hợp lý hợp tình
Được biết, ngày 9-12-2016, UBND tỉnh Hà Nam có Kế hoạch số 2993 về việc “Kiểm tra đôn đốc, chỉ đạo rà soát, xử lý vi phạm về chuyển đổi ruộng trũng sang sản xuất đa canh trên địa bàn”. Theo đó, các trường hợp vi phạm trước năm 2012, nếu phù hợp sẽ cho tồn tại. Các trường hợp vi phạm từ ngày 5-9-2012 trở lại đây sẽ tiến hành xử lý, cưỡng chế (nếu hộ dân không tự giác tháo dỡ...).
Điều đáng lưu ý là vợ chồng anh Khang đã ra canh tác ở xứ đồng Ao trước năm 2012 và khu vực này đã được quy hoạch thành khu đất giãn dân. Hiện tại gia đình anh Khang đang là hộ nghèo, bản thân anh đang được hưởng trợ cấp người khuyết tật. Và cái gọi là nhà ở của vợ chồng anh nói cho quen miệng thôi chứ thực ra nó chả khác gì… cái lều vịt! Vậy liệu chính quyền có nên “ra tay” với trường hợp này khi mà họ không có tấc đất cắm dùi để ở?
Chủ trương xử lý theo Kế hoạch 2993 của UBND tỉnh Hà Nam là đúng đắn, nhưng thiết nghĩ cần phải có lộ trình, cần phải thu xếp cho người dân chốn nương thân trước khi thực hiện cưỡng chế - nhất là đối với những trường hợp hộ nghèo, người khuyết tật như anh Khang khi không có một tấc đất cắm dùi để ở!
Bên cạnh đó, cũng có thể trong trường hợp này, giải pháp căn cơ dễ thực hiện là nên chăng chính quyền địa phương và các ngành, các cấp ở tỉnh Hà Nam tạo điều kiện cho vợ chồng anh Khang chuyển đổi khu đất ruộng hai lúa sang thành khu đất sản xuất đa canh, hoặc cũng có thể làm tờ trình xin chuyển đổi sang đất ở cho vợ chồng anh dưới dạng cấp đất giãn dân…
Bài và ảnh: Doanh Chính - Lê Thanh