Gương sáng giữa đời thường
Về với đời thường, ông là CCB độ lượng, bao dung, lúc nào cũng nở nụ cười đôn hậu, tự tin và khiêm nhường. Ngôi nhà xinh xắn do ông tạo dựng khang trang, tiện nghi sinh hoạt đầy đủ, giữa sân nhà có văn phòng làm việc ông tự nguyện hiến cho tập thể để sinh hoạt, học tập như: Hội Người cao tuổi, Mặt trận, Hội CCB, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên tập trung về sinh hoạt văn hóa cộng đồng.
Ông nói rất dí dỏm với bạn bè và đồng đội rằng: Nếu tôi còn trẻ sẽ trở lại đời quân ngũ, vì sao ư? Bởi môi trường quân đội nghiêm túc, có kỷ luật, lại ấm áp tình đồng chí, hình ảnh người chiến sĩ rất đẹp... Ông 3 lần bị thương, giám định thương tật mất sức 64%, xếp hạng thương binh 2/4. Ông cũng có nỗi đau riêng, song bản lĩnh Bộ đội Cụ Hồ đã giúp ông vượt lên, chiến thắng bệnh tật. Ông có 6 anh em trai, 3 anh tham gia kháng chiến chống Pháp, 3 chống Mỹ, ngày đất nước thống nhất cả 6 người trở về, bạn bè nói vui với ông Dũng, nhà ông phúc cao như núi...
Sau 40 năm công tác, ông đến xã Lai Uyên (Bến Cát) lập nghiệp. Số tiền nghỉ hưu ông mua 3ha đất trồng cây công nghiệp: Điều, tiêu, cao su nay đã thu hoạch, cuộc sống gia đình khá hơn, hai con ông tốt nghiệp đại học và có việc làm.
Bằng ý chí và nghị lực của người lính không cam chịu đói nghèo, nỗ lực lao động vươn lên làm giàu chính đáng là khát vọng của người CCB. Với bản chất người lính sống giàu lòng nhân ái, sẵn lòng giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn, mỗi tháng ông trích 150.000 đồng tiền lương ủng hộ bà Nguyễn Thị Hoa, 85 tuổi, là người cao tuổi không nơi nương tựa. Năm 2007, ông tặng anh Huỳnh Văn Đức, con liệt sĩ 225m2 đất. Ông Nguyễn Thông Lễ quê ở Nghệ An, vào lập nghiệp có hoàn cảnh khó khăn ông tạo điều kiện chuyển nhượng cho 300m2 đất làm nhà ở... Phẩm chất cao đẹp, giàu lòng nhân ái của CCB Phan Chí Dũng là tấm gương sáng giữa cuộc sống đời thường.
Bài và ảnh: Công Trình