Gùi của người Cơ-tu

Trẻ em Cơ-tu cũng có thể mang những chiếc gùi phù hợp.
Gùi của đồng bào Cơ-tu có nhiều tên gọi khác nhau và tương ứng cho mỗi loại gùi tùy theo mục đích sử dụng. Chẳng hạn gùi nhỏ dành cho trẻ em, gùi thưa đi lấy củi, lấy nước (nước chứa trong ống lồ ô sắp trong gùi), gùi có nắp đựng váy áo, khố, chăn mền và tư trang, gùi kín đựng lúa... Tùy theo mục đích sử dụng trong các hoạt động mà đan cho phù hợp.

Phần lớn gùi của người Cơ-tu được đan bằng các loại mây, mỗi cái gùi đều có 3 phần chính: Thân gùi được đan bằng mây, chung quanh thân, có 4 thanh gỗ nhỏ áp vào thành gùi từ đáy trở lên miệng, giúp cho gùi được cứng cáp, không bị lệch khi mang nặng.

Đồng bào Cơ-tu có nhiều loại gùi. Trong đó, cái “zoọng” (người Kinh gọi là gùi) là một loại gùi tương đối lớn. Tuỳ theo mục đích sử dụng trong các hoạt động mà đan cho phù hợp. Muốn gùi củi, sắn, khoai... thân gùi được đan thưa, và lớn; còn nếu gùi gạo, lúa, muối... thì thân gùi phải đan kín (khít). Phụ nữ là những người mang những gùi này. Khi không dùng, bà con treo gùi trên giàn bếp, vì thế những vật dụng này có màu cánh kiến, rất bền vì không mối mọt hay bị ẩm mốc.

Cái “tà léc” cũng tương tự như cái gùi, nhưng phần thân ngắn và nhỏ hơn, được thiết kế thêm hai ngăn nhỏ ở hai bên thân gùi, hai ngăn này được dùng đựng các vật dụng nhỏ như cơm, gạo, dụng cụ lấy lửa khi đi rừng, đi rẫy.

Đặc biệt, “zoọng khách tà mòi” là một loại gùi nhỏ, rất độc đáo, mỹ thuật được đan rất công phu, tỉ mỉ, có cái được đan, trang trí những hoa văn mang hình tượng truyền thống của người Cơ-tu. Đây là loại gùi dành riêng cho phụ nữ chuyên mang quà như rượu, thuốc, trà... đi biếu anh em, cha mẹ, sui gia... hay các “sơn nữ” Cơ-tu mang trong điệu múa "Tung tung dá dá" trong lễ ăn trâu, ăn mừng lúa mới...

Theo già làng Nguyễn Văn Cần (77 tuổi, trú thôn Phú Túc, xã Hoà Phú, huyện Hoà Vang, T.P Đà Nẵng), để hoàn thành một cái gùi, có những cái phải đan vài tháng. Một cái gùi đan công phu, bằng các loại mây chắc bền có thể sử dụng khoảng nửa đời người (30 năm).

Tiên Sa